Đường phố Nhật Bản

WeXpats
2019/05/31

Đường phố Nhật Bản với phần vỉa hè rộng rãi và bằng phẳng được làm từ đá Asphalt nên rất thân thiện với tất cả mọi người lẫn phương tiện giao thông hơn Việt Nam chúng ta rất nhiều. Nói đến đường phố, chúng ta sẽ nghĩ đến “quốc lộ” hay “đường cao tốc” đúng không nào? Tuy nhiên, có rất nhiều loại đường khác nhau đòi hỏi bạn phải trả những loại phí khác nhau để có thể lưu thông. Vậy nên, để đỡ bối rối hơn khi chạy xe ở bất cứ đâu ở Nhật Bản, bạn nhất định phải đọc kỹ bài viết này để hiểu thêm về các loại đường phố nhé.

Đường cao tốc

Đường cao tốc

Đường cao tốc

Đường cao tốc là đường nối những thành phố trọng điểm lại với nhau. Một con đường cao tốc đúng nghĩa phải hội tụ đầy đủ những điều kiện dưới đây.

Tiêu chuẩn của đường cao tốc:

  • Là một con đường quốc lộ.
  • Dành cho xe bốn bánh.
  • Lối vào ra là cổng IC (Interchange).
  • Các phương tiện lưu thông 2 chiều, tạo thành các làn.
  • Có các cầu vượt.
  • Có trạm dừng chân và nghỉ ngơi.

Vì đây là đường dành riêng cho ô tô nên xe mô tô có động cơ từ 125cc trở xuống, xe thông thường từ 50cc trở xuống, xe nhỏ, người đi bộ, không được quyền sử dụng.

Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ quy định bạn phải lưu thông trên đường cao tốc trong 1 tốc độ tối đa và tối thiểu nhất định. Tốc độ tối đa hợp pháp là 80km/h đối với xe tải lớn và trung bình, xe đặc biệt lớn, xe kéo, và xe ba bánh. Trong khi đó, xe khách cỡ lớn và trung bình, xe tải cỡ trung bình, xe máy lớn, xe máy thông thường và các phương tiện cấp cứu sẽ lưu thông với tốc độ tối đa là 100km/h.

Mặt khác, tốc độ tối thiểu được quy định ở mức 50 km/h cho tất cả các loại xe. Tuy nhiên, việc lưu thông với tốc độ tối thiểu này chỉ áp dụng cho làn đường chính, không áp dụng cho các đường giao nhau với đường cao tốc hoặc đường lên dốc.

Về cơ bản, đường cao tốc cũng được phân loại là “đường thu phí”, dựa trên đặc trưng đó của nó. Lệ phí mà bạn cần phải trả khi sử dụng đường cao tốc sẽ được xác định bởi trọng lượng của xe và quãng đường mà bạn đã đi. Tuy nhiên một số loại đường cao tốc sẽ được miễn phí lưu thông nếu như con đường đó được xây dựng và bảo dưỡng bởi tiền của chính phủ và chính quyền địa phương dựa trên chính sách bảo trì trực tiếp mới. Nếu bạn vượt quá đoạn đường miễn phí, bạn vẫn sẽ phải trả phí như thường nên nhớ để ý biển báo nhé.

Quốc lộ

 Quốc lộ số 4

Quốc lộ số 4       国道4号

Đường quốc lộ là những con đường được làm và bảo trì bằng nguồn vốn của chính phủ. Đường quốc lộ được chia thành đường lưu thông thông thường và đường cao tốc như đã giới thiệu ở trên.

Người dân Nhật Bản thường nghĩ “đường quốc lộ” là những “con đường thông thường”, trong khi gọi “đường cao tốc” là “cao tốc”. Đường quốc lộ được đánh số theo thứ tự từ 1 đến 507, như “Quốc lộ 1” và “Quốc lộ 47”, v.v… Tuy nhiên, đường quốc lộ đôi khi không bao gồm hết các số đó. Vì có một vài số bị thiếu hụt, thực chất đường quốc lộ có 459 tuyến đường.

Bạn có thể nhận biết tên và số của một con đường quốc lộ bằng cách nhìn vào các biển hiệu đặt dọc theo đường hoặc các nút giao thông. Biển hiệu đó sẽ có màu xanh da trời, với hình dạng của một tam giác ngược có cạnh bo tròn. Trên biển hiệu sẽ ghi quốc lộ và số, ví dụ 国道 (kokudou)1ROUTE sẽ là quốc lộ số 1.

Quốc lộ dài nhất Nhật Bản là quốc lộ số 4. Đó là một con đường nối từ Chuo-ku thuộc Tokyo đến thành phố Aomori, tỉnh Aomori. Mặt khác, tuyến quốc lộ ngắn nhất của Nhật Bản là quốc lộ số 174, với điểm bắt đầu là cảng Kobe và điểm kết thúc là Chuo-ku cũng thuộc Kobe. Với chiều dài chỉ 187,1m, bạn có thể đi bộ hết con đường này trong vòng 1 phút đúng không nào?

Đường của To-do-fu-ken

Đường của To-do-fu-ken

Đường của To-do-fu-ken

Đường của To-do-fu-ken là một con đường kết nối các khu vực chính, cảng lớn, điểm dừng chính và các địa điểm du lịch nổi tiếng. Ví dụ, đường ở Tokyo được gọi là “todou 都道”, Hokkaido là “Michi-michi 道道”, Osaka và Kyoto là “fudou 府道”, và các tỉnh khác sẽ được gọi là “kendou 県道”. Việc quản lý các đoạn đường này sẽ được thực hiện bởi mỗi To-do-fu-ken bằng cách gán số theo thứ tự tương tự với đường quốc lộ như “Todou số 1”, “Fudou số 3”, v.v…

Đường của To-do-fu-ken cũng được gán tên và đôi khi còn được gọi bằng cái tên riêng đó. Những cái tên được sử dụng để đặt cho các đoạn đường như vậy thường chính là các khu vực trọng tâm, điểm du lịch nổi tiếng, các trạm nghỉ, cảng lớn, v.v…

Biển hiệu chỉ tên đường của To-do-fu-ken sẽ là màu xanh và hình lục giác đều, bao gồm tên đường và số hiệu, ví dụ “県道50宮城” sẽ là đường số 50 tỉnh Miyagi. Trong trường hợp này, ngay dưới “県道50宮城” sẽ là tên của tuyến đường, ví dụ “白石柴田線” sẽ là tuyến Shiroishi Shibata. Biến báo ở dưới này sẽ là một hình vuông màu trắng. Nếu đường To-do-fu-ken có tên riêng, biển báo này sẽ không tồn tại.

Đường của thị xã, thị trấn

Đường của thị xã, thị trấn  

Đường của thị xã, thị trấn nằm trong các đô thị, và đó là con đường được thị trưởng của địa phương đó công nhận. Đây là loại đường không bao gồm các tiêu chuẩn đặc biệt như đường quốc lộ hoặc To-do-fu-ken nên tập hợp thành một số lượng rất lớn, vì vậy chính phủ không chỉ định số cho các con đường này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể chia chúng thành 2 loại là “đường chính” và “đường thường”.

Đường chính ám chỉ những con đường bổ sung cho những tuyến quốc lộ. Cùng với đường To-do-fu-ken, chúng tạo thành mạng lưới giao thông của từng địa phương. Các tuyến đường chính cũng được chia thành 2 loại là “đường loại một” và “đường loại hai” tùy thuộc vào tầm quan trọng của tuyến đường đó.

Đường loại một là những con đường nằm trong quy hoạch đô thị, hoặc những con đường kết nối các khu dân lớn.

Đường loại hai là những con đường nối liền các làng xã, thị trấn trọng yếu với đường quốc lộ, đường To-do-fu-ken, và đường loại một.

Mặt khác, đường thường là những con đường không thuộc các loại đường trên. Người dân sẽ sử dụng chúng cho các sinh hoạt thường nhật của mình.

Đường tư nhân

Đường tư nhân     私道

Đường tư nhân, tức đường thuộc sở hữu của các cá nhân hoặc nhóm, ám chỉ các khu vực được sử dụng làm đường. Các con đường mà mình đã giải thích ở trên đều được quản lý bởi nhà nước hoặc cơ quan công vụ của địa phương, tức “đường công cộng (koudou 公道)”. Cho dù có là đường tư nhân thì khi chủ sở hữu con đường phó thác việc quản lý cho các cơ quan công vụ, con đường đó sẽ được xem là “đường công cộng”. Vì vậy, “đường công” và “đường tư” sẽ chịu sự quản lý khác nhau.

Vì đường tư nhân thuộc sở hữu của cá nhân hoặc một nhóm nào đó nên người ngoài không được phép lưu thông trên các đoạn đường này. Cho dù chủ sở hữu có nêu rằng “ai cũng có quyền sử dụng đoạn đường này”, khi rắc rối phát sinh, việc phân xử sẽ rất phức tạp.

Ngoài ra, chiếu theo Điều 43 trong Điều luật xây dựng, “các công trình kiến trúc phải giáp đường ít nhất 2m”. Để có thể đáp ứng tiêu chuẩn này, có nhiều trường hợp một con đường nào đó trước nhà được chỉ định là đường tư nhân và cho phép bất kỳ cư dân xung quanh sử dụng.

Đường sinh hoạt

Đường sinh hoạt

Đường sinh hoạt

Một số con đường ở Nhật Bản có biển báo “Đường tư nhân (đất tư) cấm vào” và “Đường sinh hoạt nghiêm cấm qua lại trừ người dân khu vực”. Mình đã giới thiệu đường tư nhân trong phần trước, nhưng chắc bạn sẽ thắc mắc thế nào là đường sinh hoạt đúng không?

Đường sinh hoạt, tức ám chỉ con đường từ nhà ở đến đường chính, được sử dụng bởi người dân trong khu vực cho các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Con đường này tương đối hẹp, tầm nhìn bao quát kém, quanh co, và thường là đường một chiều với nhiều ngõ cụt. Vì vậy, sẽ rất nguy hiểm nếu các phương tiện thông thường lưu thông ở đây, vì người đi bộ như trẻ nhỏ và người già và xe đạp sẽ sử dụng tuyến đường này mỗi ngày. Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn, Nhà nước quy định tốc độ tối đa khi đi trên đường sinh hoạt là 30km/h.

Chỉ vì một con đường nào đó hẹp hoặc chỉ một chiều không có nghĩa nó sẽ trở thành đường sinh hoạt. Trước hết bạn cần xin giấy phép từ Sở cảnh sát hoặc chính quyền địa phương để công nhận đó là đường sinh hoạt và chuẩn bị việc dựng biển báo lưu thông.

Đường phố Nhật Bản được chia thành nhiều loại như vậy đấy. Hãy đọc kỹ quy định khi lưu thông từng loại đường khác nhau để không mắc lỗi không đáng có nhé.

Chia sẻ

Tác giả

WeXpats
Chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn nhiều bài viết đa dạng từ những thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề cuộc sống, công việc, du học cho đến các chuyên mục giới thiệu về sức hấp dẫn sâu sắc của đất nước Nhật Bản.

Mạng xã hội ソーシャルメディア

Nơi chúng tôi thường xuyên chia sẻ những tin tức mới nhất về Nhật Bản bằng 9 ngôn ngữ!

  • English
  • 한국어
  • Tiếng Việt
  • မြန်မာဘာသာစကား
  • Bahasa Indonesia
  • 中文 (繁體)
  • Español
  • Português
  • ภาษาไทย

Trang web của chúng tôi sử dụng Cookie với mục đích cải thiện khả năng truy cập và chất lượng của trang web. Vui lòng nhấp vào "Đồng ý" nếu bạn đồng ý với việc sử dụng Cookie của chúng tôi. Để xem thêm chi tiết về cách công ty chúng tôi sử dụng Cookie, vui lòng xem tại đây.

Chính sách Cookie