Hiện tượng Karoshi – Làm việc đến kiệt sức ở Nhật Bản

WeXpats
2021/07/12

 Karoshi là một hiện tượng xã hội không xa lạ gì ở Nhật Bản – một quốc gia có lượng người lao động làm việc quá sức nhiều nhất trên thế giới.

 Karoshi là một hiện tượng xã hội không xa lạ gì ở Nhật Bản – một quốc gia có lượng người lao động làm việc quá sức nhiều nhất trên thế giới. Để hiểu thêm về hiện tượng Karoshi ở Nhật này, hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu nhé.

Mục lục

  1. Lịch sử hình thành Karoshi ở Nhật
  2. Nguyên nhân dẫn đến văn hóa Karoshi ở Nhật
  3. Những ảnh hưởng của Karoshi trong xã hội Nhật Bản
  4. Chính phủ Nhật giải quyết vấn đề Karoshi ra sao?

Lịch sử hình thành Karoshi ở Nhật

Karoshi là gì?

 Karoshi (過労死) là khái niệm của việc chết do làm việc quá sức gây ra. Theo đó, Karoshi xảy ra khi một người có thời gian làm việc dài với khối lượng công việc nặng đã dẫn đến tử vong do các vấn đề về tim mạch như đột quỵ, suy tim cấp, nhồi máu cơ tim… vì thế mà Karoshi cũng được xem như một tai nạn lao động. 

 Ngày nay, Karoshi – tử vong do làm việc quá sức không chỉ là một vấn đề xã hội nhức nhối ở Nhật Bản, mà căn bệnh này đang lan rộng sang nhiều khu vực khác của châu Á.

Sự ra đời của Karoshi

 Khái niệm Karoshi ra đời lần đầu tiên vào sau Thế chiến thứ II, khi mà Nhật phải đương đầu với thất bại và phải vật lộn để hướng đến một tương lai tốt hơn. Để xây dựng lại nền kinh tế bị phá vỡ, trong những năm 1950 thủ tướng Nhật Bản Shigeru Yoshida đã tranh thủ các tập đoàn lớn để cung cấp cho nhân viên sự đảm bảo về công việc suốt đời và đổi lấy lòng trung thành của họ. 

 Điều này đồng nghĩa với việc người lao động phải xem công ty như là ngôi nhà thứ 2 của mình, đồng nghiệp và sếp chính là các thành viên trong gia đình. Và kết quả của chiến lược mọi người tập hợp lại và làm việc cật lực này đó là đưa Nhật Bản phát triển với nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới.

 Tuy nhiên, vào cuối những năm 90 khi xảy ra khủng hoảng kinh tế - tài chính, các công ty lớn bắt đầu tái cơ cấu đã sa thải các nhân viên toàn thời gian và tuyển dụng những nhân viên tạm thời với chi phí rẻ hơn. Điều này đã khiến cho những nhân viên toàn thời gian làm việc nhiều giờ hơn với nỗi lo sợ thất nghiệp. Hậu quả là Karoshi đã xuất hiện và gia tăng đột biến.

 Mặc dù có những biệt pháp để làm giảm tình trạng Karoshi tại Nhật như đường dây nóng Karoshi dùng để tư vấn cho những người đang chịu nhiều áp lực của công việc. Thế nhưng, cuộc sống ngày càng phát triển thì tình trạng chết do kiệt sức vì làm việc vẫn không ngừng gia tăng.

 Điển hình như năm 2015, cô gái 24 tuổi Matsuri Takahashi là nhân viên của công ty quảng cáo Dentsu đã nhảy lầu tự tử. Điều tra cho thấy rằng, cô gái này đã gần như không ngủ sau khi làm thêm khoảng 100 giờ/ tháng. Dưới áp lực công việc và sự kiệt sức do làm việc quá mức đã dẫn đến cái chết thương tâm của cô gái trẻ. Cái chết của cô đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng Karoshi ở Nhật.

 Một sự cố khác đã đưa vấn đề Karoshi trở thành tâm điểm đó là vào năm 2017, Tổng công ty Phát thanh Truyền hình Nhật Bản đã thông báo với công chúng rằng một cựu nhân viên của công ty đã chết vì Karoshi. Theo đó, nhà báo 31 tuổi này đã chết vì bị trụy tim sau khi làm thêm 159 giờ/ tháng trước khi cô qua đời.

 Đó chỉ là 2 trường hợp điển hình cho tình trạng Karoshi tại Nhật Bản. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản, bên cạnh 8 giờ hành chính thì ¼ người lao động Nhật Bản còn làm thêm trên 80 giờ/ tháng, gấp 3 lần mức tiêu chuẩn của các quốc gia khác và có tới 12% công ty có nhân viên làm thêm hơn 100 giờ/ tháng. Chính vì thế mà Nhật Bản có hơn 2000 ca tử vong do Karoshi mỗi năm.

Nguyên nhân dẫn đến văn hóa Karoshi ở Nhật

Quan niệm của người Nhật

 Tại một quốc gia luôn đồng nhất về văn hóa như Nhật bản thì tinh thần chủ nghĩa tập thể ‘sống là người của công ty, chết cũng là ma của công ty’, được coi trọng hơn chủ nghĩa cá nhân đến mức cực đoan. Vì thế mà nhân viên tại các công ty Nhật Bản luôn thể hiện sự cam kết và lòng trung thành của họ đối với công ty thông qua việc ‘làm việc quá sức’.

Sự cống hiến, phát triển đất nước

 Bên cạnh lòng trung thành với công ty thì việc khôi phục Nhật Bản sau chiến tranh/ thiên tai cũng là mục đích cho hành động làm việc quá sức của người Nhật. Sau khi đưa Nhật Bản phát triển như một cường quốc hiện nay thì tình trạng thiếu lao động lại diễn ra, điều này đã khiến nhiều lao động Nhật làm việc cật lực hơn nữa để bù đắp phần lao động bị thiếu. Dẫn đến tình trạng Karoshi không ngừng gia tăng.

Những ảnh hưởng của Karoshi trong xã hội Nhật Bản

Sự gia tăng freeter

 Kết quả của Karoshi đó là một phong trào đang được hình thành trong giới trẻ Nhật Bản hiện nay. Theo đó, họ lựa chọn những công việc bán thời gian thay vì trung thành suốt đời với công ty và làm thêm giờ. 

 Người trẻ Nhật Bản muốn trải nghiệm nhiều công việc khác nhau để tìm ra công việc phù hợp nhất đối với họ, vì thế mà những cá nhân này đã làm việc theo kiểu lương trả theo giờ thay cho lương thường xuyên và họ được gọi là freeter. Phong trào này nhanh chóng lan rộng trên toàn Nhật Bản và số lượng freeter đã tăng từ 200.000 người trong thập niên 1980 đến 400.000 vào năm 1997 và không ngừng tăng lên đến ngày nay.

Cuộc sống gia đình

 Làm việc quá sức cũng có tác động rất lớn đến cuộc sống gia đình của người Nhật. việc làm việc quá nhiều khiến cho những người đàn ông trở nên bận rộn và không có thời gian quan tâm đến gia đình của họ. Ở mức độ cao hơn, họ xem gia đình như một rào cản đang ngăn họ làm việc nhiều hơn nữa. Kết quả của Karoshi đó là những người làm việc trong gia đình không những dành ít thời gian hơn cho gia đình của họ, mà còn phát triển nhiều suy nghĩ thù địch với gia đình mình.

Tinh thần, sức khỏe

 Việc làm việc quá sức và làm thêm nhiều giờ mà không có thời gian nghỉ ngơi không chỉ làm gia tăng nhiều vấn đề về tim mạch mà Karoshi còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người lao động. Karoshi làm nhiều người trở nên lo lắng hơn về áp lực và gánh nặng của công việc, đây cũng là lý do khiến nhiều trường hợp tự tử do công việc ở Nhật.

Chính phủ Nhật giải quyết vấn đề Karoshi ra sao?

Đạo luật về An toàn và Sức khỏe Công nghiệp đã được sửa đổi vào năm 2006

 Đạo luật này đã thiết lập nhiều điều khoản để tập trung vào các vấn đề sức khỏe liên quan đến công việc của người lao động, bao gồm việc kiểm tra sức khỏe bắt buộc và tham vấn với nhân viên y tế chuyên nghiệp, đặc biệt là đối với những nhân viên làm việc trong nhiều giờ nên có khả năng mắc bệnh liên quan đến công việc cao hơn.

Tiền bồi thường khi làm việc quá sức

 Để làm giảm thiểu tình trạng các công ty bắt ép nhân viên làm thêm giờ nhưng không trả lương cho giờ làm thêm, chính phủ Nhật đã đề ra các luật về tiền bồi thường khi nhân viên làm việc quá sức, giúp đảm bảo nhân viên làm việc và được trả công xứng đáng cho công sức họ bỏ ra, tránh tình trạng tự tử do áp lực công việc.

Hợp đồng lao động

 Để đảm bảo nhân viên không làm việc quá sức, nhiều công ty đã đề ra hợp đồng lao động với những điều luật làm thêm giờ cho các nhân viên theo pháp luật của chính phủ.

Chính sách ngày ‘Thứ Sáu vui vẻ’, ‘Thứ Hai tươi sáng’

 Với chính sách ‘Thứ Sáu vui vẻ’, người lao động sẽ được về sớm trong ngày làm việc cuối cùng của tuần. Đồng thời, chính phủ Nhật còn đặt mức giới hạn thời gian một tháng không được làm thêm quá 45 giờ, một năm không quá 360 giờ (chỉ những người có thu nhập trên 10 triệu Yên/ năm mới được miễn khỏi giới hạn này).

 ‘Thứ Hai tươi sáng’ là một kế hoạch để người lao động sẽ nghỉ sáng vào một ngày thứ Hai trong tháng và có thể đến văn phòng sau bữa ăn trưa.

 Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề xã hội đang nhức nhối tại Nhật Bản đó là Karoshi.

 

Tác giả

WeXpats
Chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn nhiều bài viết đa dạng từ những thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề cuộc sống, công việc, du học cho đến các chuyên mục giới thiệu về sức hấp dẫn sâu sắc của đất nước Nhật Bản.

Mạng xã hội ソーシャルメディア

Nơi chúng tôi thường xuyên chia sẻ những tin tức mới nhất về Nhật Bản bằng 9 ngôn ngữ!

  • English
  • 한국어
  • Tiếng Việt
  • မြန်မာဘာသာစကား
  • Bahasa Indonesia
  • 中文 (繁體)
  • Español
  • Português
  • ภาษาไทย
TOP/ Văn hóa Nhật Bản/ Cuộc sống của người Nhật/ Hiện tượng Karoshi – Làm việc đến kiệt sức ở Nhật Bản

Trang web của chúng tôi sử dụng Cookie với mục đích cải thiện khả năng truy cập và chất lượng của trang web. Vui lòng nhấp vào "Đồng ý" nếu bạn đồng ý với việc sử dụng Cookie của chúng tôi. Để xem thêm chi tiết về cách công ty chúng tôi sử dụng Cookie, vui lòng xem tại đây.

Chính sách Cookie