Với dân số lão hóa ngày một trầm trọng, Nhật Bản phải đối mặt với một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là thiếu hụt lao động trong nhiều ngành nghề. Nhưng cũng nhờ vậy, rất nhiều lao động nước ngoài, trong đó có người Việt chúng ta, đã có thể tìm được cho mình một công việc ổn định ở Nhật Bản. Trong số các ngành nghề ở Nhật, xây dựng là một lĩnh vực được nhiều người Việt Nam quan tâm. Cùng tìm hiểu về thực trạng của lao động ngành xây dựng thông qua bài viết này nhé.
Mục lục
- Thông tin mới nhất về ngành xây dựng
- Lương của thực tập sinh ngành xây dựng là bao nhiêu?
- Thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản
- Những điều thực tập sinh xây dựng cần biết
Thông tin mới nhất về ngành xây dựng
Thị trường lao động ngành xây dựng ở Nhật Bản rất lớn, mở ra nhiều cơ hội cho mọi người. Vì đây là ngành nghề đòi hỏi chuyên môn cao nên người lao động sẽ dễ dàng tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu, và tuổi nghề cũng dài hơn nhiều ngành nghề khác.
Trong ngành xây dựng, việc đảm bảo nguồn nhân lực dồi dào luôn là một vấn đề tối quan trọng. Mặc dù nhu cầu của ngành xây dựng đang tăng lên nhờ việc khai mạc Olympic và Paralympic Tokyo 2020 cùng với các dự án tái thiết nhà cửa sau thiên tai, nguồn nhân lực vẫn chưa thể bắt kịp nhu cầu cao của thị trường.
Đặc biệt, việc thiếu hụt nhân lực có trình độ như thợ xây dựng và kỹ sư đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là khi thế hệ nhân công nhiều kinh nghiệm dần dần nghỉ hưu khi đạt đến một số tuổi nhất định. Nguồn nhân lực ngành xây dựng không đủ đáp ứng nhu cầu cao của thị trường cũng ảnh hưởng mạnh đến công tác tái thiết sau thảm họa và làm trì trệ tiến độ xây dựng công trình nói chung.
Ngoài ra, do tỷ lệ sinh thấp và dân số ngày một già đi, số người trẻ tìm được việc làm trong ngành xây dựng có xu hướng giảm dần qua từng năm. Tình trạng thiếu lao động được dự báo sẽ trở nên ngày càng trầm trọng trọng hơn trong tương lai.
Mặt khác, có thể nói nhu cầu nhân lực sẽ dần ổn định sau khi Olympic Tokyo bế mạc và các dự án tái thiết được hoàn thành. Thách thức đối với ngành xây dựng trong tương lai sẽ là làm thế nào để tiếp tục phát triển mạnh hơn và tăng khả năng quản lý hiệu quả hơn đúng không nào?
Bài viết được tuyển chọn
Lương của thực tập sinh ngành xây dựng là bao nhiêu?
Trong phần này, mình sẽ giải thích về mức lương, thưởng, cùng các chế độ trợ cấp của công nhân xây dựng nước ngoài.
Tiền lương trung bình của các xí nghiệp chấp nhận nhân công xây dựng người nước ngoài là 210.143 yên. Tùy theo loại công việc mà mức lương sẽ xê dịch đôi chút. Ví dụ, công việc gia cố (dựng cốt thép) có mức lương lên tới 224,582 yên. Tiếp theo, lắp ghép ván là 218.834 yên. Tiền lương trung bình, tức tổng của lương và thưởng, là 248.873 yên (tính trên 10 cơ sở).
Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu về mức trợ cấp cho công nhân xây dựng người nước ngoài nhé. Trong số các khoản phụ cấp, “trợ cấp làm việc ngoài giờ” chiếm 84,6%, tiếp theo là “trợ cấp làm việc trong kỳ nghỉ” chiếm 77,6% , và 33,6% cho “trợ cấp làm việc ban đêm”.
Mặc dù số liệu ghi nhận chỉ là 9,8%, nhưng một số cơ sở còn hỗ trợ người lao động thông qua “trợ cấp kỹ năng” hoặc “trợ cấp làm việc chăm chỉ”.
Một số xí nghiệp cũng hỗ trợ phụ cấp để thu hút công nhân xây dựng nước ngoài làm việc, ví dụ như “phụ cấp trình độ”, “phụ cấp theo định hướng công việc”, “phụ cấp kỹ năng” và “trợ cấp thực địa”. Trong một số trường hợp hiếm hoi, một số nơi còn hỗ trợ “chi phí về thăm quê nhà”, “kiểm tra trình độ tiếng Nhật”, và “trợ cấp về vật giá”.
Tiền lương theo tháng được đa số cơ sở áp dụng với tỉ lệ 53,8%, tiếp theo, tiền lương theo ngày chiếm 37.1%, và cuối cùng là trả theo giờ được áp dụng với tỷ lệ khoảng 9,1%.
Khi so sánh số tiền trung bình theo hình thức trả tiền lương, “trả lương theo ngày” có mức lương cao nhất, tức 221.491 yên. Tiếp theo, “trả lương hàng tháng” là 205.249 yên, và “trả lương theo giờ” là 192.509 yên.
Nguồn: Bộ đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch 外国人建設就労者受入事業
Thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản
Số lượng người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực xây dựng tại Nhật Bản đang ngày một tăng lên qua từng năm. Số công nhân xây dựng người nước ngoài được ghi nhận chiếm khoảng 12.000 người trong năm 2011 và đã tăng lên khoảng 41.000 người vào năm 2016. Đại đa số những lao động này sẽ đến Nhật với visa “thực tập sinh kỹ thuật (ginou jisshuusei 技能実習生)”.
Như mình đã đề cập trước đó, ngành xây dựng tại Nhật Bản tiếp tục bị thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong thời gian tới do ảnh hưởng từ sự già hóa dân số. Vậy nên, chúng ta có thể đoán rằng chính phủ sẽ mở rộng cửa hơn đối với lao động đến từ nước ngoài.
Ở Nhật Bản, số giờ lao động 1 ngày được quy định là 8 tiếng. Nếu bạn làm việc 6 tiếng 1 ngày, bạn phải nghỉ xả hơi ít nhất 45 phút, và 1 tiếng nếu bạn làm 8 tiếng. Nếu bạn làm quá giờ (zangyou 残業) hoặc làm trong ngày nghỉ, bạn sẽ được nhận tiền nhiều hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà bạn được phép bỏ qua những niềm vui khác trong cuộc sống đấy nhé.
Ngoài ra, để loại bỏ sự thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực, Nhật Bản đang thúc đẩy việc cải cách tác phong làm việc trong ngành xây dựng trên cả nước. Vào tháng 3 năm 2018, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch đã đề ra nghị một số cải cách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, chế độ phụ sản, hỗ trợ người lao động làm việc lâu dài. Vì vậy, ngành xây dựng sẽ dần trở thành một ngành nghề được nhiều người lao động ưu ái hơn.
Nguồn: Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi 労働時間・休日に関する主な制度
Những điều thực tập sinh xây dựng cần biết
Căn cứ theo số liệu từ Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, hiện nay rất nhiều cơ sở chịu trách nhiệm quản lý an toàn và vệ sinh cho công nhân ngành xây dựng người nước ngoài đã được thành lập. Cụ thể hơn, số lượng cơ sở kiểm tra sức khỏe và thể chất người lao động chiếm 74.8%, với các cơ sở giảng dạy tiếng Nhật chiếm 56.6% ở vị trí tiếp theo, cơ sở chịu trách nhiệm về giáo dục an toàn lao động chiếm 46.2%, và cuối cùng là cơ sở hỗ trợ về mặt sức khỏe tinh thần chiếm 43.4%.
Ngoài ra, một số cơ sở cung cấp chứng nhận về chuyên môn cho người lao động cũng được mở ra. Cụ thể hơn, kỹ thuật điều khiển cần cẩu chiếm 59.6%, tiếp theo là kỹ thuật điều khiển cần trục chiếm 25%, điều khiển xe công trường và làm việc tại các tòa nhà cao tầng chiếm 15.4%, và cuối cùng là lắp đường ống gas chiếm 13.5%.
Nguồn: Bộ đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch 外国人建設就労者受入事業について
Vậy là bạn đã hiểu thêm về các chế độ lương, thưởng, phụ cấp của người lao động ngành xây dựng ở Nhật Bản rồi phải không? Hãy tận dụng tình trạng thiếu hụt lao động ở thị trường xây dựng Nhật Bản và tìm cho mình một công việc phù hợp ở đây nhé.