Có rất nhiều bạn chuẩn bị đi Nhật mà không biết hết về các loại đơn vị tiền tệ của Nhật. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu và giải đáp nguồn gốc của từng loại đơn vị tiền Nhật.
Mục lục
- Tiền xu Nhật (kim loại)
- Các loại tiền giấy ở Nhật
- Cách đọc tên các mệnh giá tiền Nhật trong tiếng Nhật
- Văn hóa sử dụng tiền Nhật của người Nhật
- Các lưu ý khi sử dụng tiền Nhật
Tiền xu Nhật (kim loại)
Tiền xu Nhật bao gồm 6 loại: nhỏ nhất là đồng 1 yên, tiếp theo là 5 yên, 10 yên, 50 yên, 100 yên và lớn nhất là đồng 500 yên. Trên mỗi đồng tiền đều in giá trị, niên hiệu, và năm phát hành của đồng tiền đó. Đặc biệt hơn cả là mỗi đồng tiền đều mang ý nghĩa của riêng nó.
Đồng 1 yên
Như đã nêu trên, đây là đồng tiền Nhật có mệnh giá nhỏ nhất trong số các loại tiền xu Nhật, cũng như trong hệ thống tiền tệ của Nhật. Đồng 1 yên Nhật rất nhẹ sở dĩ vì nó được làm từ nhôm. Tuy nhỏ và nhẹ nhưng nó lại rất có “võ”, không thể xem thường vì đồng 1 yên được sử dụng rất phổ biến và vô cùng hữu ích trong việc trả tiền lẻ trong đời sống ở Nhật. Có một sự thật thú vị đó là biểu tượng cây cỏ được in trên mặt trước của đồng 1 Yên là một loài cây... không có thật. Mặc dù vậy, thiết kế của nó được đánh giá cao bởi sự đơn giản và tinh tế.
Đồng 5 yên
Đồng 5 yên được làm từ đồng thau, kích thước lớn hơn và nặng hơn một chút so với đồng 1 yên. Đồng 5 yên được gọi là đồng xu may mắn bởi cách phát âm của nó trong tiếng Nhật. Trong tiếng Nhật, 5 yên được gọi là “五円” (go en), đồng âm với một từ Hán tự “ご縁” (go en), có nghĩa là “kết duyên”. Ngoài ra, lỗ tròn rỗng ở chính giữa cũng góp phần làm nên điều đặc biệt cho đồng xu này. Có rất nhiều nguyên nhân để giải thích cho chiếc lỗ này, ví dụ như để người khiếm thị dễ dàng phân biệt với các đồng tiền Nhật khác, để tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, để ngăn chặn hàng giả, v.v… Tuy nhiên, ngày nay người ta chỉ quan tâm rằng lỗ tròn tượng trưng cho “một cái nhìn thông suốt về tương lai”. Mặt trước của đồng 5 yên có in hình bông lúa, nước và hình bánh răng xung quanh lỗ tròn nên nó cũng được coi là biểu tượng cho nông, ngư, công nghiệp của Nhật Bản. Đồng 5 Yên cũng là đồng tiền Nhật duy nhất không in số lên trên.
Đồng 10 yên
Đồng 10 yên được làm từ đồng đỏ khiến nó có màu đỏ nâu. Mặt trước đồng 10 Yên được chạm khắc hình Phượng Hoàng sảnh của ngôi chùa Byoudou-in (âm Hán-Việt: Bình Đẳng Viện), một ngôi chùa phật giáo cổ xưa nằm tại thành phố Kyoto, Nhật Bản, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đồng 10 yên vô cùng hữu dụng khi sử dụng điện thoại công cộng tại Nhật vì với đồng xu 10 yên bạn có thể thực hiện được cuộc gọi trong nước tầm 1 phút.
Đồng 50 yên
Đồng 50 yên được làm từ đồng bạc, rất khó bị hoen gỉ. Nhìn qua thì nó mang hình dáng gần giống với đồng 5 yên, cùng với đồng 5 yên là hai đồng tiền Nhật duy nhất có lỗ tròn ở chính giữa. Lỗ tròn trên đồng 50 yên cũng được tạo ra để phân biệt và chống hàng giả, tương tự như đồng 5 yên. Mặt sau đồng 50 yên được chạm khắc hình hoa cúc, loài hoa được xem là quốc hoa của Nhật Bản. Hoa cúc biểu tượng cho hoàng tộc Nhật Bản và nó cũng xuất hiện trên Quốc huy của đất nước này.
Đồng 100 yên
Đồng 100 yên cũng được làm từ đồng bạc, khó bị hoen gỉ. Đây là đồng tiền được lưu hành lâu đời nhất trong số tất cả các loại tiền xu Nhật (từ năm 1957). Thiết kế trên đồng xu này đã từng được thay đổi hai lần, một lần vào năm 1959 và lần cuối là vào năm 1967. Phiên bản gốc với hình chim phượng hoàng mang ý nghĩa tái sinh và sức sống mãnh liệt. Ngày nay, hình ảnh đó đã được thay thế bằng hoa anh đào. Loài hoa rất được các samurai khi xưa yêu thích này tuy không phải quốc hoa của Nhật như nhiều người vẫn nghĩ, nhưng nó cũng được xem là biểu tượng hòa bình của đất nước mặt trời mọc. Đồng 100 yên có thể coi là đồng xu được sử dụng nhiều nhất khi sống ở Nhật. Ở Nhật bạn có thể mua được rất nhiều đồ, từ đồ ăn vặt cho đến vật dụng hàng ngày chỉ với 100 yên tại các hệ thống cửa hàng 100 yên như Daiso, Can Do, Seria, … Ngoài ra McDonald Nhật Bản còn có sẵn menu “100 yên Mc”, bạn có thể mua một chiếc hamburger, kem hoặc một loại đồ uống cỡ S chỉ với đồng xu 100 yên.
Đồng 500 yên
Đồng xu 500 yên hiện nay là đồng tiền Nhật được phát hành gần đây nhất. Chất liệu của đồng 500 yên được làm từ đồng niken, do đó rất khó bị ăn mòn. Đây là đồng tiền xu Nhật có mệnh giá cũng như kích thước lớn nhất. Đồng xu 500 yên Nhật cũng được xem là đồng xu có giá trị nhất thế giới bởi mệnh giá cao của nó (tương đương 100.000 VND). Ở Nhật, chỉ với đồng 500 yên trong ví bạn cũng có thể cảm thấy yên tâm, vì 500 yên có thể mua được rất nhiều thứ. Một hộp cơm ở siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi, thậm chí là các quán cơm như Matsuya hay Sukiya đều có giá khoảng trên dưới 500 yên. Vì sự tiện lợi của nó nên cụm từ “ワンコイン” (one coin), một đồng xu đã ra đời. Nó có ý nghĩa rằng bạn có thể mua được thứ gì đó chỉ với một đồng xu 500 yên.
Bài viết được tuyển chọn
Các loại tiền giấy ở Nhật
Tiền giấy 1000 yên
1000 yên có giá trị xấp xỉ khoảng 212.000 VND. Người đàn ông xuất hiện trên đồng 1000 yên chính là Noguchi Hideyo, khác với các nhân vật xuất hiện trên các đồng tiền Nhật khác đều là nhà văn, ông Noguchi Hideyo là một bác sĩ nổi tiếng và là một trong những bậc thầy nghiên cứu về vi khuẩn học.
Để tìm hiểu kĩ hơn về đồng 1000 yên, các bạn có thể tham khảo bài viết sau của WeXpats dưới đây
1000 yên Nhật mua được gì ở Nhật
Tiền giấy 2000 yên
Hiện tại, đồng tiền này không còn được phát hành nữa. Tuy nhiên, số lượng tiền giấy 2000 yên này chưa được thu hồi hết, nên hiện tại, thi thoảng vẫn xuất hiện đồng tiền này được tiêu dùng ngoài thị trường. Tờ 2000 yên được thiết kế rất đẹp và được trang trí bởi hình ảnh chiếc cổng Shureimon của thành cổ Shuri, công trình lịch sử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới của tỉnh Okinawa. Ngoài ra mặt sau có in một vài văn và chân dung của tác giả Murasaki Shikibu. Do đó, tờ 2000 yên thường được giữ lại như một món quà lưu niệm.
Tiền giấy 5000 yên
Với giá trị bằng 1.060.000 VNĐ, 5000 yên cũng là một trong số những đồng tiền có mệnh giá tương đối lớn ở Nhật. Nhìn qua thì có vẻ là phụ nữ, nhưng người xuất hiện trên đồng 5000 yên chính là ông Natsumei Shoseki, một nhà tiểu thuyết lỗi lạc, bình luận gia nổi tiếng và là nhà nghiên cứu văn học Anh xuất sắc. Tác phẩm tiêu biểu của ông là quyển tiểu thuyết dài tập được mang tên “Tôi là con mèo” được xuất bản vào năm 1905.
Tiền giấy 10.000 yên
Đây là đồng tiền có mệnh giá lớn nhất ở Nhật, tương đương với khoảng 2.120.00 VND. Được biết, đây là mệnh giá thường được sử dụng để chi trả lương có nhân viên, có tần suất xuất hiện trong ví nhiều xấp xỉ so với đồng 1000 yên. Hình ảnh người đàn ông xuất hiện trên đồng 10.000 yên này chính là Fukuzawa Yukichi - một võ sĩ đạo - một trong 6 nhà giáo dục có ảnh hưởng lớn đến giáo dục thời Minh Trị, đồng thời cũng là nhà sáng lập ra Đại học Keio Gijuku.
Cách đọc tên các mệnh giá tiền Nhật trong tiếng Nhật
Nếu các bạn thắc mắc thì dưới đây là cách đọc các mệnh giá tiền Nhật bằng tiếng Nhật.
Đối với tiền xu
・Đồng 1 yên : 一円 - いちえん - ichi en
・Đồng 5 yên : 五円 - ごえん - go en
・Đồng 10 yên : 十円 - じゅうえん - ju en
・Đồng 50 yên : 五十円 - ごじゅうえん - go ju en
・Đồng 100 yên : 百円 - ひゃくえん - hyaku en
・Đồng 500 yên : 五百円 - ごひゃくえん - go hyaku en
Đối với tiền giấy
・Tiền giấy 1000 yên : 千円 - せんえん - sen en
・Tiền giấy 2000 yên : 二千円 - にせんえん - ni sen en
・Tiền giấy 5000 yên : 五千円 - ごせんえん - go sen en
・Tiền giấy 10.000 yên : 一万円 - いちまんえん - ichi - man en
Văn hóa sử dụng tiền Nhật của người Nhật
Có khá nhiều bạn thắc mắc rằng, tại sao một đất nước tiên tiến và phát triển như nước Nhật lại vẫn còn văn hóa sử dụng tiền xu. Lý giải cho điều này, chúng ta có thể hiểu rằng, ở Nhật Bản, tỉ lệ người cao tuổi khá nhiều, và họ không có thói quen thanh toán bằng thẻ. Hơn nữa, Nhật Bản là đất nước của động đất. Khi có thiên tai xảy ra, hệ thống thanh toán điện tử sẽ bị ngừng hoạt động, nên việc người Nhật sử dụng tiền mặt là đa số, và đồng tiền xu có thể dễ dàng sử dụng để mua hàng ở các cây bán hàng tự động. Chính vì thế, ở Nhật, họ thường sở hữu hai chiếc ví, một để đựng tiền giấy và chiếc còn lại để đựng tiền xu. Đó là lý do mà người ta bày bán rất nhiều những chiếc túi chuyên dành đựng tiền xu vô cùng đáng yêu đấy.
Các lưu ý khi sử dụng tiền Nhật
-
Thông thường, cứ 20 năm, Nhật Bản lại phát hành lại tiền để tránh tình trạng tiền giả. Nếu bạn đang sở hữu đồng tiền cũ, hay nhận phải tiền cũ khi mua sắm ở siêu thị hay nhà hàng, thì đừng quá lo lắng. Bởi vì những đồng tiền đó vẫn được sử dụng như bình thường.
-
Tiền xu là loại đồng tiền dễ đánh rơi, vì vậy, hãy trang bị cho mình một chiếc túi đựng tiền xu chuyên dụng nếu có thể nhé.
-
Bạn cũng có thể đổi tiền cũ sang tiền mới để phục vụ mục đích cá nhân tại ngân hàng nhưng sẽ mất phí.