Chắc chắn bạn đã từng nghe về đất nước Nhật Bản thông qua tin tức, phim ảnh, hoặc những cuốn truyện tranh rồi đúng không? Bài viết này sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quan hơn về đất nước Nhật Bản để giúp bạn hiểu thêm về vị trí địa lý, quốc kỳ, tình hình kinh tế và chính trị, cũng như các biểu tượng của đất nước mặt trời mọc này nhé.
Mục lục
- Vị trí địa lý
- Quốc kỳ Nhật Bản
- Ngôn ngữ tiếng Nhật - Hán tự, Hiragana và Katakana
- Tình hình kinh tế-chính trị
- Những biểu tượng của Nhật Bản
Vị trí địa lý
Nhật Bản (tên tiếng Nhật Nihonー日本) là một đảo quốc Đông Á chạy theo hình vòng cung dài 3.800km, nằm trên tọa độ 35°41′B 139°46′Đ, tọa lạc phía Tây Thái Bình Dương. Nhật Bản được hình thành từ 4 đảo lớn chiếm khoảng 97% diện tích đất liền là Hokkaido , Honshu, Shikoku, và Kyushu. Trong đó, Honshu là hòn đảo lớn thứ 6 trên thế giới.
Nhật Bản được chia thành 47 tỉnh thành phố và 8 phân vùng chính là Hokkaido, Tohoku, Kanto, Chubu, Kinki, Chugoku, Shikoku, Kyushu. Nhật bản cách Việt Nam khoảng 3600km, tương đương 6 giờ bay. Ngoài ra, Nhật Bản còn là một quần đảo núi lửa với khoảng 6.852 đảo nhỏ, chủ yếu nằm trong khu vực ôn đới với bốn mùa rõ rệt, nhưng có khí hậu khác biệt về khí hậu và đặc trưng địa lý giữa các vùng với nhau dọc theo chiều dài đất nước.
Nhật Bản nằm bên rìa phía đông của biển Nhật Bản, Biển Hoa Đông, Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và vùng Viễn Đông Nga, trải dài từ biển Okhotsk ở Tây Bắc Thái Bình Dương xuống biển Hoa Đông và đảo Đài Loan ở phía Nam. Nhật Bản có diện tích 377,972 km², với dân số 126 triệu người trong đó Tokyo là thành phố tập trung đông dân cư nhất.
Chữ kanji Niー日 (Nhật) trong quốc hiệu Nhật Bản nghĩa là “gốc của Mặt Trời”, và chính vì vậy người ta thường gọi Nhật Bản bằng biệt danh “Đất nước Mặt Trời mọc”. Chắc các bạn cũng từng nghe Nhật Bản còn được gọi là xứ Phù Tang phải không? Theo truyền thuyết cổ phương Đông, một loại cây dâu có thân rỗng gọi là Phù Tang được truyền miệng là mọc ở nơi thần Mặt trời nghỉ ngơi trước khi cưỡi xe lửa du hành ngang qua bầu trời từ Đông sang Tây, do đó Phù Tang mang ý nghĩa ẩn dụ là nơi Mặt trời mọc. Từ đó, Nhật Bản còn được biết với cái tên đầy văn thơ là đất nước Mặt trời mọc hoặc xứ Phù Tang.
Bài viết được tuyển chọn
Quốc kỳ Nhật Bản
Quốc kỳ Nhật Bản có hình chữ nhật nền màu trắng và hình tròn màu đỏ lớn ở giữa. Lá cờ này có tên gọi chính thức là Nisshokiー日章旗, nhưng thông thường mọi người thường gọi quốc kỳ Nhật Bản là Hinomaruー日の丸 hơn. Lá cờ này mang trong mình biểu tượng Mặt trời mọc, hiện thân của đất nước Nhật Bản. Quốc ca của Nhật Bản là bài hát Kimi ga Yo. Nếu quan tâm, bạn có thể tìm bản mp3 trên mạng và nghe thử nhé.
Ngôn ngữ tiếng Nhật - Hán tự, Hiragana và Katakana
Nhật Bản sử dụng ngôn ngữ duy nhất là tiếng Nhật. Có rất ít thông tin về lịch sử hình thành ngôn ngữ Nhật hay từ khi nào ngôn ngữ này được sử dụng tại Nhật Bản nhưng một số tài liệu của Trung Quốc ghi nhận sự xuất hiện của một vài từ tiếng Nhật vào thế kỷ thứ 3. Vào thời Heian (794-1185), từ vựng và cách phát âm của ngôn ngữ Nhật cổ được cho là chịu ảnh hưởng mạnh từ tiếng Trung Quốc. Vào năm 1185 tới năm 1600, một số thay đổi trong ngôn ngữ Nhật đã dẫn nó gần hơn với tiếng Nhật mà chúng ta biết ở hiện tại, cùng với sự xuất hiện của một số từ mượn từ châu Âu. Sự phổ biến của các ngôn ngữ địa phương thay đổi từ vùng Kansai tới vùng Edo (Tokyo hiện tại) vào khoảng đầu thế kỷ 17 cho đến giữa thế kỉ 19.
Tiếng Nhật được viết trong sự phối hợp ba kiểu chữ: Hán tự (Kanjiー漢字) và bộ chữ Hiragana và Katakana. Kanji dùng để viết các từ Hán mượn từ tiếng Trung Quốc hoặc các từ người Nhật dùng chữ Hán để thể hiện rõ nghĩa. Chính vì vậy, một số từ tiếng Nhật có rất nhiều nét giống với các từ đồng nghĩa tiếng Trung Quốc. Hiragana dùng để ghi các từ gốc Nhật và các thành tố ngữ pháp như trợ từ, trợ động từ, v,v… Katakana dùng để viết các từ mượn từ tiếng nước ngoài (như Ti-vi, Sofa, Cát-xét,…) trừ tiếng Trung và từ vựng của một số nước dùng chữ Hán khác. Bảng ký tự sử dụng chữ cái La-tin (Romajiーローマ字) cũng được dùng trong tiếng Nhật hiện đại, đặc biệt là ở tên và biểu trưng của các công ty, quảng cáo, nhãn hiệu hàng hóa, v,v… Số Ả Rập theo kiểu phương Tây được dùng để ghi số, nhưng cách viết số theo ngữ hệ Hán-Nhật cũng rất phổ biến.
Nếu các bạn không thể hình dung Kanji, Katakana, và Hiragana khác nhau thế nào, hãy tham khảo từ dưới đây. Giả sử, Nhật Bản trong tiếng Nhật sẽ là 日本 (nihon – kanji), にほん (nihon – hiragana), và ニホン (nihon – katakana). Cùng 1 từ nhưng nếu sử dụng 3 bảng chữ cái trên, ta sẽ có 3 cách viết khác nhau. Thật là nhiều thứ phải nhớ quá đúng không? Chính vì vậy, tiếng Nhật là một trong những ngôn ngữ khó học nhất thế giới, cần xấp xỉ 2 năm hoặc hơn 2,000 giờ học.
Tình hình kinh tế-chính trị
Kinh tế Nhật Bản
Nhật Bản có một nền kinh tế thị trường rất phát triển, trong đó khu vực dịch vụ đóng góp hơn 70% GDP của cả nước. Nền kinh tế Nhật Bản lớn thứ 3 trên thế giới theo thước đo GDP danh nghĩa, còn tính theo sức mua thì lớn thứ 4 sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, và Indonesia, Nhật Bản là 1 trong 5 cường quốc kinh tế của châu Á. Thiết bị vận tải, thực phẩm, và đồ uống là những ngành sản xuất chính của Nhật Bản..
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, các thành phố và nhà máy Nhật Bản bắt đầu tái thiết lại, nhưng khá chậm do thiếu vốn. Nhờ sự hỗ trợ tài chính không nhỏ từ Mỹ và sự đồng lòng, quyết tâm khôi phục lại đất nước của người dân Nhật Bản, vào năm 1953, nhiều nhà máy mới đã được tái thiết. Nhờ vào sự bùng nổ kinh tế, các hãng điện tử hàng đầu thế giới đã xuất hiện như Sony, Panasonic, Toshiba…
Nền kinh tế của Nhật Bản phát triển nhanh chóng trong thập niên 1960-1970, nhưng đến năm 1990 thì lâm vào suy thoái trầm trọng. Rất nhiều công ty đã phá sản, kéo theo rất nhiều người Nhật Bản lâm vào cảnh thất nghiệp. Tuy rằng nếu so với các nước phương Tây thì tỉ lệ thất nghiệp của Nhật khá thấp, nhưng nếu xét theo tiêu chuẩn được chính phủ Nhật Bản đặt ra thì con số đó lại cao. Những người thất nghiệp thường không có nhà cửa hoặc công việc ổn định, và đôi khi họ khốn khó đến mức không còn cách nào khác ngoài việc tự kết liễu mình.
Chính trị Nhật Bản
Nhật Bản là quốc gia có thể chế chính trị được thành lập dựa trên nền tảng của một thể chế quân chủ lập hiến và cộng hòa đại nghị, trong đó Thủ tướng có vai trò đứng đầu Nhà nước và chính Đảng đa số. Quyền hành pháp thuộc về chính phủ. Nghị viện của Nhật Bản được xây dựng trên mô hình Lưỡng viện, qua đó cơ cấu chia thành Tham Nghị viện là Thượng viện và Chúng Nghị viện là Hạ viện của Quốc hội Nhật Bản. Hệ thống chính trị Nhật được thành lập dựa trên hình mẫu cộng hoà đại nghị của Anh quốc và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các nước dân luật ở châu Âu.
Những biểu tượng của Nhật Bản
Hoa cúc, quốc hoa của Nhật Bản
Nhắc tới Nhật Bản, nhiều người vẫn hay nhớ tới hoa anh đào, và nghĩ đây là quốc hoa của xứ sở mặt trời. Điều này hoàn toàn sai, và ngay cả nhiều du học sinh Nhật cũng lầm tưởng về điều này. Quốc hoa của Nhật Bản chính là hoa cúc. Hình ảnh bông hoa cúc làm bằng đồng, gắn ở phía trước xe hơi của Nhật hoàng có lẽ là hình ảnh được bắt gặp nhiều nhất trên sóng truyền hình. Hãy nhớ kỹ điều này nhé.
Sakura, loài hoa trong sáng, ngây thơ
Nhắc đến Nhật Bản, chúng ta không thể nhắc tới hình ảnh những đóa hoa anh đào hay còn gọi là sakura mang trong mình vẻ đẹp thuần khiết, trong sáng. Chính vì vậy, mỗi mùa hoa anh đào là mỗi mùa cao điểm du lịch khi mà tất cả du khách trong và ngoài nước đều đổ xô đến những địa điểm ngắm hoa nổi tiếng như công viên Ueno, công viên Quốc gia Shinjuku, Niigata, v.v… Hoa anh đào còn là biểu tượng của cảnh sát Nhật nữa đấy.
Núi Phú Sĩ (Fujisanー富士山)
Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao 3776m so với mực nước biển, và là ngọn núi cao nhất đất nước Nhật Bản. Ngọn núi có hình dáng tam giác cân giống như hình chữ bát (hachiー八 số 8) trong tiếng Nhật. Đây là ngọn núi biểu tượng của Nhật Bản, và còn là nơi có quan hệ mật thiết với tôn giáo của người Nhật từ thời xa xưa.
Núi Phú Sĩ, ngọn núi có sức ảnh hưởng mạnh về mặt nghệ thuật lẫn tôn giáo của người Nhật Bản, từ năm 2013 đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Vào mùa hè mỗi năm, có rất đông du khách có niềm đam mê leo núi đến Nhật và cố gắng chinh phục ngọn núi biểu tượng của Nhật Bản này.
Ngoài ra, quang cảnh hùng vĩ của núi Phú Sĩ đã là nguồn cảm hứng vô tận với rất nhiều người dân Nhật Bản, biểu hiện qua hình ảnh núi Phú Sĩ xuất hiện trong những dòng thơ ca hoặc phim ảnh ngày nay. Núi Phú Sĩ còn là chủ đề chính trong những bức tranh Ukiyoeー浮世絵 (một loại tranh thường thấy trên tường nhà tắm công cộng ở Nhật).
Chim Hạc hình ảnh thường thấy trên đỉnh kiểu ở lễ hội Nhật Bản
Bên cạnh đó, với người Nhật, chim Hạc là một Quốc bảo. Chim Hạc cũng mang trong mình một ý nghĩa của sự may mắn và trường thọ vì người Nhật tin rằng chim Hạc có thể sống 1000 năm. Ngoài ra, việc gấp 1000 con Hạc giấy với mong muốn người bệnh sẽ mau khỏi cũng bắt nguồn từ niềm tin này. Chim Hạc còn là một loài vật chung thủy nên người ta thường may những bộ kimono cho lễ cưới hoặc Uchikake và đính các họa tiết chim Hạc lên thân áo.
Qua bài viết này, các bạn đã hiểu thêm về đất nước Nhật Bản, các thể chế chính trị, tình hình kinh tế, cũng như các biểu tượng của xứ sở Mặt trời mọc rồi đúng không? Nhẹ nhàng, thanh cao nhưng mạnh mẽ sẽ là những từ ngữ chính xác nhất miêu tả con người Nhật Bản nói riêng và đất nước Nhật Bản nói chung.