Nhật Bản là một quốc gia coi trọng sự hợp tác và truyền thông, bởi vậy trong giao tiếp, họ cũng thường sử dụng đa dạng các cụm từ với mục đích là giữ mối quan hệ tốt với mọi người.
Lần này, mình sẽ giới thiệu về các cụm từ mà người Nhật sử dụng hàng ngày và các từ thông dụng trong giao tiếp theo từng hoàn cảnh như: Khi tụ tập bạn bè đồng nghiệp thân thiết, khi gặp lại người lâu ngày không gặp,…
Cụm từ được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày
Dưới đây là một số cụm từ mà người Nhật thường sử dụng trong giao tiếp, bao gồm cả những từ hàng ngày rất cần thiết cho cuộc sống ở Nhật.
Ngay cả khi cùng là người Nhật, trong cuộc nói chuyện nếu đối phương không sử dụng những cụm từ này, thì người còn lại sẽ nghĩ: “mình bị đối phương ghét” hay “đối phương là một kẻ không hiểu lễ nghĩa” và không có thiện cảm với người đó.
Vì vậy, chúng ta hãy cùng ghi nhớ và sử dụng thành thạo những cụm từ thông dụng này nhé!
Arigato (ありがとう)
Đây là cụm từ thể hiện sự biết ơn.
Sử dụng “Arigato” bất cứ khi nào bạn muốn thể hiện sự biết ơn, như khi người khác làm điều gì đó cho bạn, khi bạn nhờ ai đó làm gì…
Ở Nhật Bản, người Nhật có xu hướng nói lời cảm ơn ngay cả đối với những việc rất nhỏ nhặt, chẳng hạn như lấy đồ và nhường đường,…
Gomennasai (ごめんなさい)
Đây là cụm từ thể hiện cảm giác xin lỗi, hay là dùng để xin lỗi.
Tuy nhiên, không giống như “Sumimasen” sẽ được giới thiệu dưới đây, “Gomennasai” chỉ mang nghĩa xin lỗi. Cũng có 1 số ít những người Nhật không để ý sự khác nhau này và sử dụng lẫn lộn, nhưng đối với những người đã lớn tuổi hoặc những người chú trọng ngôn ngữ thì hầu như họ sẽ sử dụng “Gomennasai” và “Sumimasen” một cách chính xác theo từng hoàn cảnh.
Sumimasen (すみません)
Giống với “Gomennasai”, “Sumimasen” cũng dùng để biểu thị sự cảm thấy có lỗi, hay dùng để xin lỗi nhưng không hoàn toàn mang nghĩa xin lỗi. Người nói không phải dùng cách nói này để xin đối phương tha lỗi về việc mình đã làm sai mà ý nghĩa của cụm từ “Sumimasen” này bao gồm cả sự biết ơn với đối phương, hay sự biết lỗi về những lỗi nhẹ nhàng như vô tình chạm vào đối phương,…
Trong thực tế, có nhiều người vẫn sử dụng cụm từ này với nghĩa “thật sự xin lỗi”, hay dùng với những người thân thiết một cách suồng sã. Ngoài ra, “Sumimasen” cũng được sử dụng khi trò chuyện với đối phương là người không mấy thân thiết, ví dụ như khi bạn được nhận quà là bánh kẹo từ ai đó bạn sẽ nói: “お気遣いいただいて…すみません。ありがとうございます!”, hay khi bạn muốn mượn bút, bạn sẽ nói: “すみません、ボールペンを忘れてしまったのですが、貸していただいても良いでしょう?”.
ittekimasu / itteirasshai (いってきます/いってらっしゃい)
“Ittekimasu” mang nghĩa là “Tôi đi rồi lại về nhé!”, chúng ta sẽ nói cụm từ này khi ra khỏi nhà hoặc khi rời khỏi địa điểm nào đó nhưng sẽ sớm quay lại.
“itteirasshai” là câu để đối lại với “ittekimasu”, nó mang ý nghĩa rằng “Hãy đi và trở về bình an vô sự nhé!”
Tadaima / Okaerinasai (ただいま/おかえりなさい)
“Tadaima” nghĩa là “Tôi đã về rồi đây”, sử dụng khi đi đâu đó và trở về, chẳng hạn như đi làm về và nói với những người ở nhà,…
“Okaerinasai” là cụm từ để đối lại với “Tadaima”, mang ý nghĩa “Bạn đã về rồi đó à!” hay “mừng bạn trở lại”,…
Bài viết được tuyển chọn
Cụm từ được sử dụng tại nơi làm việc
Các cụm từ được giới thiệu ở mục này chủ yếu để dùng trong công việc như kinh doanh, đàm phán với đối tác làm ăn…
Trong bối cảnh kinh doanh này, nếu việc ứng xử sao cho có thể gây được ấn tượng tốt trong mắt các đối tác là vô cùng quan trọng, thì việc xã giao hài hòa để giữ một mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp cùng công ty cũng là điều được chú trọng không kém.
Otsukaresamadesu (お疲れさまです)
Cụm từ này có nghĩa: “Bạn đã vất vả rồi”.
Người Nhật sử dụng cụm từ này như 1 lời chào ở chỗ làm và khi trở về nhà. Ngoài ra, khi liên hệ với đồng nghiệp, người cùng chỗ làm,… qua điện thoại, nó cũng được dùng như 1 lời chào bằng cách nói: “お疲れ様です。○○(名前)です (Bạn đã vất vả rồi, tôi là…)”.
Osewaninatte orimasu (いつもお世話になっております)
Đây là cụm từ có thể sử dụng với những người mà mình thường xuyên hợp tác trong công việc, hay để nói với người luôn giúp đỡ mình,…Lưu ý rằng cụm từ này không dùng đối với những đồng nghiệp cùng công ty. Tóm lại, “Osewaninatte orimasu” giống như một lời chào mang cảm giác biết ơn đối với những người luôn giúp đỡ mình.
Yoroshiku onegaishimasu (よろしくお願いします)
Không kể là ở chỗ làm hay không, cụm từ này được sử dụng rộng rãi, nó mang ý nghĩa “mong được chiếu cố”, bạn sẽ nói cụm từ này sau khi kết thúc phần giới thiệu bản thân, khi muốn nhờ ai đó làm gì,… Hay ngay cả khi bạn không nhờ cậy gì đối phương thì bạn cũng có thể dùng nó như là một lời chào mang ý nghĩa: “Hãy cùng xây dựng một mối quan hệ tốt trong tương lai”.
Cụm từ thường dùng với bạn bè
Những từ sau thường được sử dụng trong các cuộc trò chuyện với bạn bè thân thiết. Cũng với mục đích là nhằm thể hiện sự tôn trọng với đối phương, nhưng lại không quá cứng nhắc như trong bối cảnh kinh doanh mà chúng mang sự gần gũi và thân thiết.
Ohisashiburi (久しぶり)
Một lời chào được sử dụng với những người đã không gặp nhau trong một thời gian dài.
Sẽ có lúc bạn bị cảm thấy lúng túng hay khó xử trong trường hợp này nhưng bạn hoàn toàn có thể tiếp tục câu chuyện một cách tự nhiên bằng việc hỏi đối phương “có khỏe không?” hoặc “gần đây có gì mới không?”.
Ganbatte! (頑張って!)
Từ có nghĩa “cố gắng lên!”, dùng để cổ vũ khi đối phương đang trong hoàn cảnh khó khăn, chuẩn bị vượt qua thử thách hay đang cần có dũng khí để làm gì đó,…
“Ganbaru” là động từ mang ý nghĩa “Đừng khuất phục khó khăn, hãy cố lên!”, vì thế ví dụ để cổ vụ một người đang học tiếng Nhật, ta có thể nói: “頑張って日本語を覚えるぞ!(Cố lên! Hãy cố nhớ tiếng Nhật!)”.
~Ni Yoroshiku (~によろしく)
Trước “Ni Yoroshiku” sẽ là tên người, dùng từ này trong trường hợp muốn nhắn gửi lời chào, lời hỏi thăm tới một người bạn chung.
Vậy sử dụng cụm từ này khi nào? Trong cuộc trò chuyện mà có nói chuyện liên quan đến người bạn mà bạn muốn gửi lời chào, hay khi kết thúc cuộc trò chuyện,… chúng ta sẽ dùng từ này. Ví dụ như bạn và bạn A đang nói chuyện, và nhắc đến bạn B, bạn sẽ nói “B ni yoroshiku”, câu này có nghĩa là: “cho mình gửi lời hỏi thăm đến B nhé”.
~wa chotto (~はちょっと)
Cụm từ này mang ý nghĩa: “Cái đó thì…”. Dùng cụm từ này khi bạn muốn bày tỏ rằng: “Tôi không muốn / không thích~”. Để thể hiện sự tôn trọng ý kiến của đối phương, người Nhật thường dùng cách nói không rõ ràng như thế này để bày tỏ suy nghĩ của mình.
Ví dụ: Khi trả lời cho câu hỏi “Bạn thích bánh mì hay cơm?”, người Nhật sẽ nói rằng: “パンはちょっと… (Bánh mì thì…)” để truyền đạt với đối phương rằng mình thích cơm, không thích bánh mì.
Tuy nhiên, những năm gần đây có nhiều người cho rằng: “nên nói ra suy nghĩ của mình một cách rõ ràng”, nên trong trường hợp bạn thấy khẳng định ý kiến của bản thân cũng không sao thì thẳng thắn nói ra có lẽ cũng là một cách hay. Hãy vận dụng thật đa dạng nhé!
Cụm từ “lóng” thường thấy ở giới trẻ
Trên thực tế, cùng là người Nhật nhưng nếu thế hệ, lứa tuổi khác nhau thì cách dùng từ cũng sẽ khác. Đặc biệt là trong giới trẻ, nhiều cụm từ mới mà có lẽ những người lớn tuổi Nhật chưa từng nghe đều được cho ra đời từ các bạn trẻ. Vì vậy, trong mục này, mình sẽ giới thiệu về những cụm từ “lóng” của giới trẻ Nhật Bản nhé!
meccha (めっちゃ)
Từ này mang nghĩa “とても (Rất)”, “すごい (Tuyệt)”,… Ví dụ như bình thường sẽ nói “すごく美味しい (Rất ngon)”, “とても綺麗 (Tuyệt đẹp)” thì khi dùng “Meccha” ta có thể nói: “めっちゃ美味しい”, “めっちゃ綺麗” mà ý nghĩa vẫn hoàn toàn giống nhau.
Yabai (やばい)
Ý nghĩa gốc của từ này thể hiện sự không tốt như: “nguy hiểm” hay “không ổn rồi”,… Nhưng ngày nay, giới trẻ Nhật lại sử dụng từ này với các nghĩa tốt như: “すごい (Tuyệt)”, “良い (Tốt)”,…
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, “Yabai” có thể hiểu theo hai nghĩa cả tốt và xấu, ví dụ như câu: “それやばくない?” sẽ mang cả 2 hướng ý nghĩa: “Điều đó chẳng phải quá nguy hiểm sao?” hoặc “Điều đó quá tuyệt vời!”
Maji (マジ)
Từ này là thể ngắn của từ “真面目”, mang nhiều ý nghĩa như: “本当 (Thật sự)”, “事実 (Sự thật)”, “本気 (Thật lòng / hết sức)”.
Ví dụ như nói “それマジ?” thì giống với “それは本当なの?” – “Thật á?”, hay “次のテストで100点取らなかったらマジでやばいからマジで頑張る” sẽ giống với “次のテストで100点取らなかったら本当に将来が危ないから本気で頑張る” – “Bài kiểm tra tới mà không được điểm tối đa thì xong đời nên phải cố gắng hết sức”.
Yappa (やっぱ)
Từ này có ý nghĩa là “Quả đúng là”, “Đúng thật là”,… Để người nói thể hiện cảm xúc về sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó vẫn luôn trong tình trạng cũ, không có gì thay đổi, hoặc việc đã xảy ra đúng như mình dự đoán. Ví dụ như: “やっぱ彼女はディナーに来なかった” nghĩa là “Quả nhiên là cô ấy không đến ăn tối”.
Ngoài ra, cũng có thể dùng từ này khi bạn muốn đính chính sự lựa chọn của mình. Ví dụ như: “やっぱディナーの予約はキャンセルする” có nghĩa là “Tôi định đi ăn tối nên đã đặt chỗ ở nhà hàng rồi nhưng sẽ hủy”.
Trên đây là giới thiệu về các cụm từ người Nhật thường dùng trong đời sống hàng ngày, các bạn thấy sao?!
Không thể nói rằng chỉ nhớ nhiêu đây thôi là bạn đã có thể giỏi tiếng Nhật, nhưng những cụm từ đã giới thiệu ở trên sẽ giúp ích rất nhiều trong giao tiếp hàng ngày và trong công việc tại Nhật của bạn đó! Nên hãy cố gắng nhớ ý nghĩa cũng như cách sử dụng của chúng để có thể dùng chính xác và đúng hoàn cảnh nhất nhé!
Chia sẻ