Tàu điện - một phương tiện mà du học sinh và thực tập sinh sử dụng hàng ngày ở Nhật. Thế nhưng, có vô vàn những câu chuyện hay và thú vị ở sau phương tiện giao thông này. Thực hư của những câu chuyện này ra sao, hãy cùng đọc bài viết này nhé !
Mục lục
- Đẩy người lên tàu tiện cũng là một nghề ( 押し屋 - oshiya)
- Mã QR bí ẩn ở một số nhà ga ở Nhật
- Hành động chỉ tay của lái tàu ( 指差喚呼 - shisa kanko )
- Bóng đèn màu xanh ở ga tàu điện
- Chi phí quảng cáo trên tuyến tàu điện "xịn xò" nhất Tokyo - Yamanote( 山手線 )
Đẩy người lên tàu tiện cũng là một nghề ( 押し屋 - oshiya)
押し屋 được gọi là Oshiya, có nghĩa là chỉ những người đẩy khách lên tàu điện ở Nhật. Công việc này vô cùng bận rộn vào những giờ cao điểm và không phải là một công việc đơn giản, ai cũng có thể làm được.
Mới nhìn thoáng qua, có thể bạn sẽ nghĩ, oshiya chỉ cần có sức khỏe thôi là đủ rồi. Thế nhưng, để trở thành một Oshiya - nghề đẩy người lên tàu, bạn cần phải có nhiều kĩ năng, cũng như phải đào tạo ít nhất 6 tháng. Trong quá trình đẩy hành khách lên tàu, Oshiya cần phải nắm vững một số quy tắc như phải sử dụng hai tay thay vì một tay,hay là chỉ được đẩy vào vai và tay chứ không được đẩy vào các bộ phận khác trên người hành khách.Ngoài ra, để trở thành một Oshiya, còn có một số những quy định như sau :
-
Đây chỉ là một công việc bán thời gian, thường làm vào các giờ cao điểm buổi sáng
-
Trước khi tàu điện chạy, Oshiya phải ra hiệu nói “ Chúng tôi sẽ đẩy” để cảnh báo.
-
Ngoài việc đẩy khách vào tàu, Oshiya còn hay giúp hành khách tránh mắc kẹt quần áo và túi xách khi cửa tàu điện đóng mở
Bài viết được tuyển chọn
Mã QR bí ẩn ở một số nhà ga ở Nhật
Có lẽ mấy bạn hay sử dụng tuyến Yurakucho sẽ hay thắc mắc mấy cái mã QR bí ẩn được dính la liệt trên các nhà ga tàu.
Thực ra, đây là một thí nghiệm của hãng tàu Tokyo Metro, dành cho người khiếm thị, giúp họ có thể tự mình di chuyển để đi tàu mà không cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Người khiếm thị chỉ cần cầm theo chiếc điện thoại, vừa đi vừa check mã QR, khi đó, hệ thống đọc mã QR được cài sẵn trên điện thoại sẽ phát ra âm thanh, hướng dẫn họ đi đến vị trí mong muốn.
Tại Nhật, ngoài mã QR này ra, còn có các dòng kẻ màu vàng, hay chó dẫn đường cũng là một trong những yếu tố giúp cho người khiếm thị có thể di chuyển an toàn bên ngoài, mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác.
Hành động chỉ tay của lái tàu ( 指差喚呼 - shisa kanko)
指差喚呼 hay còn được gọi là "shisa kanko", có nghĩa là vừa nói vừa chỉ tay để tạo ra sự chú ý. Hành động này đã khiến cho nhiều người nước ngoài đến Nhật hết hồn, vì hơi kì cục và khó hiểu. Ra đời ở Nhật vào năm 1900, từ thời kỳ Nhật Bản vẫn còn sử dụng tàu lửa chạy bằng hơi nước, cực kì ồn ào, khiến cho các lái tàu không thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ. Theo thời gian, hành động chỉ tay theo giọng nói "shisa kanko" trở thành một nét đẹp trong văn hóa đường sắt ở Nhật, thường được sử dụng trong các nghĩ lễ khai trương một nhà ga nào đó. Thậm chí, bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp trong các nhà ga ngày nay.
Ở nơi chờ tàu đến trong các nhà ga, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp hình ảnh này. Khi nhân viên nhà ga muốn xác nhận trên các đường ray không có đồ bị đánh rơi hay không, có ai bị mắc kẹt khi lên xuống tàu, hay khi muốn xác nhận các cánh cửa tàu điện đã đóng khít 100%hay chưa, thì việc quan sát bằng mắt thôi thì chưa đủ.Thêm vào đó, nhân viên sẽ chỉ tay về phía trước, nhìn, xác nhận,hô to, sau đó từ từ nhìn dọc theo thân tàu, quay về đằng sau xác nhận với nhân viên ở phía sau.
Ngày nay, không chỉ dừng lại trong ngành đường sắt, "shisa kanko" còn được cả quân đội và các hãng hàng không quốc gia đưa vào sử dụng. Nếu có dịp bay trên những chuyến bay này, đừng quên để ý những khoảnh khắc mà tiếp viên sử dụng "shisa kanko", khi họ kiểm tra ngăn hành lý, cửa thoát hiểm và đèn tín hiệu nhé !
Đặc biệt hơn, một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Canada hay Mỹ cũng đã áp dụng điều này vào việc vận hành hệ thống tàu tàu điện ngầm của mình, giúp giảm tới gần 60% lỗi vận hành.
Bóng đèn màu xanh ở ga tàu điện
Báo động trước tỷ lệ người lao đầu vào tàu tự tử ngày một tăng cao, một số nhà điều hành đường sắt ở Nhật hiện đang lắp đặt một loại đèn màu xanh đặc biệt trên các sân ga với hi vọng nó sẽ tạo ra cảm giác êm ái, thư giãn và giảm căng thẳng, từ đó ngăn cản suy nghĩ của người muốn tự tử.Cho đến nay, công ty đường sắt Đông Nhật Bản (東日本) đã lắp đặt đèn điot phát ra ánh sáng màu xanh nhẹ hay còn gọi là đèn LED ở tất cả 29 nhà ga thuộc tuyến đường xe lửa trung tâm Tokyo, có tên là Yamanote. Với tuyến đường xe lửa này, mỗi ngày có tới 8 triệu hành khách sử dụng.Mặc dù trên thực tế, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy những ngọn đèn này thực sự có thể giảm được tỷ lệ tự tử, nhưng nhiều người lại cho rằng, chính nhờ màu xanh đó đã giúp cho con người cảm thấy thư thái hơn so với những màu khác.
Ông Mizuki Takahashi, nhà trị liệu tại Viện tâm lý học màu sắc Nhật Bản, một trung tâm nghiên cứu tư nhân không liên quan đến dự án đèn trên, cho biết “Nó có tác dụng làm cho người bị kích động hay người bị ám ảnh bởi một điều đặc biệt gì đó, cảm thấy thư thái hơn”.
Trong bối cảnh kinh tế bị suy thoái, tỷ lệ tử tự ở Nhật đang tăng mạnh vào năm nay, vượt con số kỷ lục 34.427 người tử tự vào năm 2003.Những đèn này sáng hơn so với những bóng đèn huỳnh quang bình thường, khiến cho sân ga phủ trong màu xanh kỳ lạ. Theo người phát ngôn của công ty Norimitsu Suzuki, đèn được treo ở cuối mỗi sân ga, nơi mọi người thường hay đứng đó để lao vào đầu tàu tự tử.
Một công ty khác, công ty tàu điện tốc hành Keihin, hoạt động ở Tokyo và Yokohama, cũng lắp đặt những bóng đèn xanh đặc biệt trên ở 2 nhà ga vào năm ngoái, sau khi có 2 vụ tự tử trong vòng 1 tháng ở 1 trong 2 nhà ga của họ.Nhà nghiên cứu Michiko Ueda tại Đại học Waseda đã phân tích dữ liệu của 10 năm về các vụ tự tử tại 71 ga tàu của Nhật Bản, Ueda và các đồng nghiệp thấy rằng quả là có một số bằng chứng cho thấy việc này có ảnh hưởng tới hành khách. Tỷ lệ tự tử đã giảm 84%.
Chi phí quảng cáo trên tuyến tàu điện "xịn xò" nhất Tokyo - Yamanote( 山手線 )
Tuyến Yamanote là một tuyến đường sắt vòng quanh Tokyo, Nhật Bản, điều hành bởi Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East). Đây là tuyến bận rộn và quan trọng nhất của Tokyo, kết nối các vùng và ga chính xung quanh Tokyo như Marunouchi, khu vực Yurakucho / Ginza, Shinagawa, Shibuya, Shinjuku, Ikebukuro và Ueno, với tất cả 29 nhà ga .Tổng lượng khách trung bình trong một tuần là 15,5 triệu hành khách. Thời gian trung bình trên tàu của 1 hành khách rơi vào khoảng 11.7 phút.
Chính vì hàng ngày phục vụ rất nhiều khách đi tàu, nên tàu điện cũng là một kênh quảng cáo rất hấp dẫn. Dưới đây là bảng giá quảng cáo tại tuyến Yamanote. Giá của mỗi quảng cáo phụ thuộc vào vị trí của nó ở trên tàu, cũng như thời gian thuê, nếu quảng cáo được chiếu trên màn hình TV thì độ dài là 30 giây. Các vị trí được ưa thích bao gồm: thân ngoài của tàu điện, màn hình TV ở cửa ra vào, poster ở giữa tàu...Quảng cáo tại tuyến Yamanote là đắt nhất trên toàn Nhật Bản vì số lượng khách đi tàu đông, cũng như được trang bị nhiều màn hình TV, phù hợp với những quảng cáo bằng video trực quan hơn là poster hình ảnh.
Tay cầm tàu điện có giá là 130 man cho 28 ngày
Sticker cạnh cửa ra vào giữa các khoang có giá là 350 man cho 1 tháng
Poster khổ B3 ở giữa tàu có giá là 500 man cho 15 ngày
Vị trí dọc trên cửa sổ có giá là 200 man cho 7 ngày
Dọc thân tàu có giá là 600 man cho 14 ngày
Trên cửa ra vào có giá là 385 man cho 1 tháng
Màn hình tivi ở giữa cửa ra vào có giá là 1.040 man cho 7 ngày, thời lượng chỉ có 30 giây
Bảng B3 cạnh cửa ra vào có giá là 1.300 man cho 7 ngày
Nguồn tham khảo : 電車広告・取扱メディア一覧