Ảnh: 9'63 Creation
Nhắc đến Nhật Bản là nhắc đến Manga. Manga có thể coi là một hình thức văn hoá đại chúng nổi tiếng của đất nước mặt trời mọc. Không chỉ ở châu Á, Manga đang dần “xâm lấn" sang cả những lãnh thổ phương Tây, nơi mà truyện tranh comics từ lâu đã thống trị. Một điều thú vị là rất nhiều các bạn du học sinh, thực tập sinh vẫn hay nói rằng vì thích Manga nên đã sang Nhật. Sự phổ biến của Manga là không thể bàn cãi, nhưng bạn đã thực sự hiểu hết về nó chưa? Cùng tìm hiểu với WeXpats trong bài viết này nhé!
Khám phá cách học tiếng Nhật bằng truyện tranh Manga tại đây
Mục lục
Manga là gì?
Ảnh: Sensay
Định nghĩa
Nói một cách ngắn gọn, Manga là từ tiếng Nhật để chỉ truyện tranh được xuất bản tại Nhật Bản. Bản thân từ này bao gồm hai ký tự: 漫 (man) có nghĩa là “hay thay đổi, hay chuyển động” và 画 (ga) có nghĩa là “hình ảnh”. Manga là truyện tranh sử dụng phong cách vẽ nhân vật đặc trưng của Nhật Bản. Có thể nói gần như mọi người Nhật đều đọc Manga. Manga là một loại hình nghệ thuật phổ biến với vô vàn những thể loại mà ta có thể nghĩ tới.
Các nghệ sĩ ở khắp nơi trên thế giới được truyền cảm hứng rất nhiều từ Manga. Một số quốc gia thậm chí còn chịu ảnh hưởng của Manga đến nỗi họ tạo nên những thể loại truyện tranh của riêng mình, dựa trên Manga. Một số ví dụ là “manhwas” ở Hàn Quốc và “manhuas” ở Trung Quốc.
Nguồn gốc, lịch sử truyện tranh Manga
Nghệ sĩ khắc gỗ nổi tiếng Hokusai đã sử dụng thuật ngữ Manga vào thế kỷ 18 để nói về các tác phẩm của mình, nhưng các tác phẩm của ông không phải là ví dụ đầu tiên về Manga trên thế giới. Ví dụ cổ nhất về cái mà chúng ta gọi là Manga là những cuộn giấy được tạo ra bởi các nhà sư Phật giáo vào thế kỷ 12 ở Nhật Bản. Những cuộn giấy này “chạy” liên tục theo các chương và mô tả những loài động vật cư xử giống như con người.
Vào thế kỷ 19, kỹ thuật in ấn trở nên hiệu quả hơn và các nghệ sĩ Nhật Bản tiếp tục cho ra đời những tác phẩm truyện tranh, bao gồm cả những truyện chỉ trích chính phủ và thảo luận về chính trị. Ngành công nghiệp xuất bản tiếp tục phát triển vào thế kỷ 20, nhưng chính phủ Nhật Bản bắt đầu kiểm duyệt các nghệ sĩ nghiêm ngặt hơn và cho đóng cửa các nhà xuất bản “phản động".
Vào Thế chiến thứ hai, Manga đã được chính phủ Nhật sử dụng để truyền bá và tuyên truyền chủ nghĩa đế quốc. Sau chiến tranh thế giới thứ 2 là khi Manga hiện đại bắt đầu xuất hiện, trở nên vô cùng nổi tiếng và thành công. Việc Mỹ chiếm đóng Nhật Bản đã mang theo truyện tranh kiểu Mỹ (comics) du nhập vào đây và điều này có ảnh hưởng đáng kể đến phong cách nghệ thuật Manga hiện nay.
Bắt đầu từ năm 1947, nghệ sĩ Tezuka Osamu, người sau này được gọi là “Cha đẻ của Manga” và “Walt Disney của Nhật Bản”, bắt đầu xuất bản các tác phẩm của mình, bao gồm cả tác phẩm nổi tiếng và thành công nhất “Astro Boy”. Tezuka Osamu, cùng với các đồng nghiệp của mình, đã tiên phong cho một sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp truyện tranh Manga, từ tuyên truyền thời chiến sang giải trí thú vị được chúng ta biết đến và yêu thích ngày nay.
Bài viết được tuyển chọn
Các thể loại Manga
Ảnh: Sensay
Trên thực tế thì không có quy tắc phân biệt rõ ràng giữa các thể loại Manga, vì vậy, việc phân loại truyện tranh Manga thường mang tính chủ quan của nhà xuất bản, biên tập viên. Một số cách phân loại Manga mà người đọc thường thấy là:
-
Phân theo đối tượng độc giả: Kodomo, Shounen, Shoujo, Seinen,…
-
Phân loại theo cảm xúc mang lại: Hài hước, Trinh thám, Drama,…
-
Phân theo nội dung: Phiêu lưu, Bí ẩn, Siêu anh hùng,…
Và một số thể loại còn loại không chia theo loại gì cả như Omake hay Doujinshi…
Manga Hành động (バトル・アクション漫画)
Truyện tranh có nội dung mang hơi hướng bạo lực, hành động với diễn biến nhanh.
Manga phiêu lưu (冒険漫画)
Thể loại truyện phiêu lưu, thường kể về chuyến đi của nhân vật vào một thế giới giả tưởng nào đó. Tiêu biểu nhất phải kể đến bộ truyện One Piece.
Manga Shounen (少年漫画)
Thể loại truyện Manga phục vụ chủ yếu cho độc giả nam ở độ tuổi teen, nội dung thường liên quan đến đánh nhau hoặc bạo lực ở mức nhẹ.
Manga Shoujo (少女漫画)
Manga dành riêng cho các bạn nữ tuổi teen, với nội dung liên quan đến tình cảm lãng mạn, chú trọng đầu tư cho nhân vật về phần tính cách. Thể loại này khá "sến", nổi tiếng ở Việt Nam là bộ truyện “Nữ hoàng Ai Cập”.
Manga Kodomo (子供漫画)
Thể loại truyện tranh dành cho trẻ em với nội dung nhí nhảnh, vui nhộn ví dụ như Doraemon, Nhóc Maruko...
Manga Suiri (推理漫画)
Thể loại Manga thường xuất hiện những điều bí ẩn không thể lý giải được, nổi tiếng nhất là “Thám tử lừng danh Conan”.
Manga siêu thực (ファンタジー・SF漫画)
Những nhân vật trong truyện có những sức mạnh siêu nhiên và không thể giải thích được, thách thức những quy luật vật lý, có thể kể đến Dragon Ball, Bleach...
Manga kinh dị (ホラー漫画)
Đây là những chap truyện tranh có nội dung kinh dị chết chóc. Tác phẩm điển hình của thể loại này là “Bác sĩ quái dị Black Jack”.
Manga hài hước (ギャグ漫画)
Những bộ truyện tranh hài hước điển hình như One-Punch Man, Yaiba,...
Manga học đường (学園漫画)
Giống như cái tên, thể loại Manga này xoay quanh bối cảnh trường học, có thể là về tình yêu, bắt nạt học đường, … nổi tiếng có thể kể đến bộ truyện 花より団子 (Hana yori dango) đã được chuyển thể thành loạt phim Hàn đình đám “Boys Over Flower" (tựa tiếng Việt là Vườn sao băng).
Ngoài ra còn vô số những thể loại Manga khác nữa mà bạn có thể tìm hiểu thêm trong quá trình tìm đọc truyện tranh.
Tại sao Manga lại đặc biệt?
Ảnh: thanakorn
Manga là dành cho mọi người
Manga dành cho mọi lứa tuổi và nó không chỉ được coi là thứ chỉ dành cho trẻ em như ở các nước khác. Các nhân vật trong Manga đều có đôi mắt to và mái tóc nhọn lớn, tạo nên sự độc đáo của truyện tranh Nhật Bản. Manga được xuất bản với hai màu đen trắng, trái ngược với truyện tranh phương Tây chủ yếu được in màu. Lý do chính cho điều này là vì một bộ truyện tranh thường được vẽ bởi một người duy nhất và được xuất bản đều đặn hàng tuần. Việc tô màu chúng sẽ chiếm quá nhiều thời gian. Các chương truyện tranh được xuất bản trên nhiều tạp chí hàng tuần và sau đó được thu thập thành các tập cho mọi người có thể thưởng thức. Nếu sang Nhật, chắc chắn bạn sẽ bắt gặp cảnh người Nhật đứng ở những quầy tạp chí trong các cửa hàng tiện lợi để đọc những tập Manga mới nhất đấy!
Manga gửi gắm những thông điệp đáng quý
Trong các câu chuyện Manga, người Nhật luôn đề cao phẩm chất đáng quý của con người trong cuộc sống như lòng vị tha, tình bạn, tình đoàn kết, tình đồng đội… Thông qua Manga, người Nhật muốn gửi gắm vào đó những bài học mang tính giáo dục cao. Manga cũng là nơi mà người Nhật thể hiện sự tự hào dân tộc. Khác với truyện tranh dành cho thiếu nhi với những nhân vật anh hùng siêu đẳng như người dơi hay người nhện thì Manga lại lột tả chân thực về bản chất của con người trong cuộc sống. Trong Manga, cảm xúc cũng như nội tâm nhân vật trong từng tình huống khác nhau đều được khắc hoạ hết sức rõ nét.
Hàng năm, hơn 4000 tập truyện tranh Manga khác nhau dành cho cả trẻ em và người lớn được xuất bản. Chính vì sức ảnh hưởng cũng như tính dân tộc cao của Manga mà nó được Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm. Manga cũng chính là công cụ để người Nhật thể hiện nền văn hoá đặc biệt của mình tới các bạn bè quốc tế.
Một số những Manga nổi tiếng, nên đọc
Ảnh: wachiwit
-
Astro Boy (Cậu bé tay sắt)
-
Dragon Ball (7 viên ngọc rồng)
-
One Piece (Đảo hải tặc)
-
Doraemon (Chú mèo máy Đô-rê-mon)
-
Naruto
-
Conan (Thám tử lừng danh Conan)
-
Slam Dunk (Cao thủ bóng rổ)
-
Inuyasha (Khuyển Dạ Xoa)
-
Sailor Moon (Thủy thủ mặt trăng)
-
Yu-Gi-Oh! (Vua trò chơi)
Đây đều là những bộ truyện tranh Manga huyền thoại, đưa tên tuổi Manga đến rộng hơn với thế giới cũng như Việt Nam chúng ta. Các thế hệ 8x, 9x Việt Nam hẳn là không xa lạ gì với những bộ truyện gối đầu giường này đúng không nào.
Có thể nói Manga đã thẩm thấu đến từng ngóc ngách của văn hóa Nhật Bản và có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn trên nhiều mặt của xứ sở Phù Tang. Thậm chí ngay cả những tín đồ Manga, hay còn gọi là Otaku từ khắp nơi trên thế giới đều đổ xô tới Nhật Bản để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Ở Nhật, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những Manga Cafe hay Maid Cafe (những quán Cafe theo phong cách hầu gái trong Manga Nhật Bản). Và bạn đừng ngạc nhiên nếu thấy người Nhật xếp hàng dài ở các cửa hàng truyện tranh Manga nhé!
Chia sẻ: Sơn Thạch - WeXpats Team