Văn hoá truyền thống Nhật Bản lâu nay vẫn nổi tiếng với ẩm thực hay những ngôi chùa cổ kính. Không chỉ có vậy, đất nước mặt trời mọc còn sở hữu những hình thức văn hoá phi vật thể cũng ấn tượng không kém, có thể kể đến kịch Kabuki. Trong bài viết, hãy cùng WeXpats tìm hiểu về loại hình nghệ thuật truyền thống “kén” người xem này của Nhật Bản nhé!
Mục lục
- Kịch Kabuki là gì?
- Nguồn gốc, lịch sử kịch Kabuki
- Những yếu tố làm nên một vở kịch Kabuki
- Xem kịch Kabuki ở đâu, khi nào?
Kịch Kabuki là gì?
Kabuki (歌舞伎) là từ được tạo thành từ ba chữ kanji (chữ Hán): ka (歌) nghĩa là ca hát, bu (舞) là vũ đạo và ki (伎) là kỹ nghệ. Theo nghĩa đen, Kabuki có nghĩa là nghệ thuật ca hát và khiêu vũ, nhưng các buổi biểu diễn trên thực tế Kabuki còn vượt ra ngoài hai yếu tố này. Kabuki là một loại hình nghệ thuật tập trung nhiều vào hình ảnh hơn là nội dung. Các yếu tố sản xuất như trang phục, ánh sáng, đạo cụ, … góp phần tô điểm thêm cho bài hát và vũ đạo của Kabuki. Tất cả đều được thực hiện một cách công phu nhất để tạo nên một buổi trình diễn hoành tráng.
Kabuki là một loại hình nghệ thuật giàu tính biểu diễn. Nó liên quan đến trang phục được thiết kế công phu, trang điểm lạ mắt, tóc giả, và quan trọng nhất là các hành động cường điệu do các diễn viên thực hiện. Các động tác mang tính cách điệu cao nhằm truyền tải ý nghĩa đến khán giả; điều này đặc biệt quan trọng vì lời thoại trong Kabuki là tiếng Nhật cổ nên ngay cả người Nhật cũng khó có thể hiểu hết được.
Sân khấu động có sàn xoay và cửa sập cho phép các vở kịch nhanh chóng thay đổi cảnh hoặc hỗ trợ sự xuất hiện / biến mất của các diễn viên. Một đặc sản khác của sân khấu Kabuki là một cây cầu đi bộ (hanamichi) dẫn lối đến phía khán giả, phục vụ cho những màn ra mắt và kết thúc đầy kịch tính. Bầu không khí của Kabuki đầy ắp những giai điệu nhạc sống được biểu diễn bằng các nhạc cụ truyền thống. Những yếu tố này kết hợp để tạo ra một màn trình diễn tuyệt đẹp và lôi cuốn.
Cốt truyện của Kabuki thường dựa trên các sự kiện lịch sử, xung đột đạo đức, chuyện tình yêu, bi kịch hoặc những câu chuyện Nhật Bản nổi tiếng khác. Một điểm độc đáo của Kabuki là những gì được biểu diễn thường chỉ là một phần của toàn bộ câu chuyện đó (thường là phần hay nhất). Vì vậy, để thưởng thức Kabuki một cách trọn vẹn, tốt hơn là bạn nên đọc một chút về câu chuyện được kể trước khi tham dự buổi biểu diễn. Tại một số rạp hát, bạn có thể thuê tai nghe cung cấp lời thuyết minh và giải thích bằng tiếng Anh.
Kabuki, cùng với Noh và Bunraku, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Bài viết được tuyển chọn
Nguồn gốc, lịch sử kịch Kabuki
Tất cả các diễn viên Kabuki ngày nay đều là nam giới, nhưng nghệ thuật truyền thống này lại được tạo ra bởi một người phụ nữ - Izumo no Okuni. Bà là một nữ tu sĩ Thần đạo đã bắt đầu biểu diễn vào đầu những năm 1600 tại nhiều địa điểm khác nhau ở Kyoto, bao gồm cả các đền thờ và dưới đáy sông khô cạn của sông Kamo. Bà đã thành lập một nhóm toàn phụ nữ gồm những người lạc lối và gái mại dâm địa phương, dạy họ về sân khấu, ca nhạc và khiêu vũ. Những người phụ nữ này đã thể hiện cả nhân vật nam và nữ trong các vở kịch hài tái hiện lại cuộc sống hàng ngày. Họ được gọi là onna-kabuki (onna - 女 có nghĩa là phụ nữ). Các màn trình diễn của họ thời bấy giờ rất dí dỏm và gợi mở. Hình thức giải trí này nhanh chóng trở nên vô cùng phổ biến, đến mức các đoàn Kabuki khác được thành lập ở tận Tokyo (khi đó được gọi là Edo). Bản thân Okuni cũng đã được yêu cầu biểu diễn cho Hoàng gia Nhật Bản.
Vào thời điểm đó, Kabuki trở nên phổ biến ở các khu đèn đỏ và thường gắn liền với mại dâm, vì những người biểu diễn đôi khi cung cấp “dịch vụ” của họ cho người xem. Những quan ngại về vấn đề đạo đức sau đó dẫn đến việc cấm hoàn toàn phụ nữ biểu diễn vào năm 1629. Ban đầu, các chàng trai trẻ được thay thế để đảm nhận vai trò của những diễn viên Kabuki, nhưng họ cũng cũng lại dính líu đến bán dâm và cũng đã bị cấm. Sau đó, những người đàn ông trưởng thành bắt đầu biểu diễn Kabuki, đảm nhận cả vai trò của cả nam và nữ và truyền thống này vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay.
Ở thời kỳ này, Bugaku và Noh được coi là sang trọng trong khi Kabuki có phần thô kệch. Kabuki ban đầu được coi là tiên phong cho một hình thức giải trí kỳ lạ dành cho những người dân thường. Họ bị thu hút bởi sự lập dị táo bạo và sự dâm dục của những buổi biểu diễn Kabuki đầu tiên. Do đó, khán giả thường rất ồn ào. Ý nghĩa ban đầu của Kabuki được suy đoán là có liên quan đến động từ kabuku (傾 く) có nghĩa là hành xử kỳ quặc. Nhật Bản đã phải mất nhiều thập kỷ để phát triển Kabuki thành loại hình nghệ thuật phổ biến, được chính thức hóa như ngày nay.
Thế kỷ 18 là thời kỳ hoàng kim của Kabuki. Cấu trúc của các buổi biểu diễn đã được chuẩn hóa, các kiểu nhân vật được thiết lập và mọi kỳ thị đã được xóa bỏ. Các vở kịch Kabuki ngày càng tinh vi, và diễn xuất trở nên tinh tế hơn. Kabuki đã trở thành một loại hình nghệ thuật có khả năng trình bày nghiêm túc, kịch tính. Khi Nhật Bản bắt đầu phát triển về xã hội và kinh tế, Kabuki, được coi là kịch của người dân, đã tái hiện sinh động xã hội đương đại. Các sự kiện lịch sử thực tế đã được tái hiện trên sân khấu Kabuki, ví dụ như Chushingura, 47 Ronin, ... Kể từ đó, Kabuki vẫn tồn tại với tư cách là một trong những nghệ thuật nổi tiếng và vĩ đại nhất của Nhật Bản.
Những yếu tố làm nên một vở kịch Kabuki
Như đã nói ở trên, kịch Kabuki kết hợp nhiều yếu tố, nổi bật nhất là ca hát và vũ đạo. Dưới đây là một cái nhìn chi tiết hơn về các yếu tố chính của một vở kịch Kabuki và cách chúng kết hợp với nhau để tạo nên một vở diễn thành công.
Âm nhạc
Âm nhạc trong Kabuki là sự kết hợp của ca sĩ và nhạc cụ, giúp thiết lập giai điệu tường thuật và nhịp độ của các cảnh. Các bài hát có thể được biểu diễn bởi một hoặc nhiều ca sĩ (utakata) tại một thời điểm, và thường đi kèm với shamisen, một loại đàn luýt của Nhật Bản. Các nhạc cụ khác có thể được sử dụng thêm để tạo hiệu ứng âm thanh hoặc đóng vai trò làm tín hiệu cho các diễn viên. Tùy thuộc vào màn trình diễn, các nhạc công có thể ở ngoài sân khấu hoàn toàn, ở phía sau hoặc ở bên cạnh sân khấu, hoặc thậm chí tham gia kết hợp trực tiếp vào hành động của vở kịch.
Vũ đạo
Trong Kabuki, vũ đạo được đưa vào bất cứ khi nào có thể. Tuy nhiên, diễn xuất của Kabuki được cách điệu hóa đến mức hầu như không thể phân biệt được đâu là vũ đạo. Các diễn viên được đào tạo để di chuyển bằng các chuyển động giống như đang nhảy múa. Nói cách khác, vũ đạo là một phần không thể thiếu trong tất cả các vở kịch Kabuki. Các chuyển động khác nhau dựa trên nhân vật: onnagata (nhân vật nữ) thì nhẹ nhàng, trong khi doki (nhân vật hài) lại vui nhộn. Nhiều buổi biểu diễn kết thúc bằng một màn nhảy múa sôi động (ogiri shosagoto) với sự góp mặt của toàn bộ dàn diễn viên trong vở kịch.
Kỹ thuật biểu diễn
Các diễn viên sử dụng nhiều động tác được biên đạo, bao gồm:
-
Tachimawari: kỹ thuật biểu diễn cảnh chiến đấu, có thể là đánh tay đôi hoặc sử dụng kiếm.
-
Roppo: chuyển động mô phỏng việc đi bộ hoặc chạy, thường được diễn với nhịp trống dồn dập.
-
Ningyoburi: hành động của một diễn viên điều khiển chuyển động của người khác, như thể một người múa rối. Kỹ thuật này được lấy cảm hứng từ bunraku, nghệ thuật múa rối Nhật Bản.
-
Hikinuki: một kỹ thuật chuyên biệt liên quan đến việc thay đổi trang phục của diễn viên trên sân khấu, thường được căn thời gian sao cho khớp với nhạc.
Trang phục
Vì kịch Kabuki thường lấy bối cảnh trong quá khứ nên những người biểu diễn thường mặc kimono, trang phục truyền thống của Nhật Bản. Phong cách trang phục Kabuki rất đa dạng, từ thực dụng, nhẹ nhàng cho đến rườm rà, xa hoa. Một trong những kỹ năng quan trọng nhất của các diễn viên chỉ đơn giản là thao tác và di chuyển được trong những trang phục nặng nề. Trang phục và tóc giả đi kèm được làm bằng tay bởi các nghệ nhân lành nghề và đôi khi được dệt công phu bằng những sợi bạc và vàng ròng.
Trang điểm
Được gọi là kesho trong tiếng Nhật, lối trang điểm trong Kabuki sẽ được dựa trên đặc điểm của nhân vật trong vở kịch. Khuôn mặt của các diễn viên được phủ một lớp oshiroi (sơn trắng) để làm cho họ trở nên nổi bật và ấn tượng hơn. Sau đó, các đường màu được thêm vào để tô điểm thêm cũng như mô tả tính cách của nhân vật đó. Màu đỏ đại diện cho những phẩm chất như đam mê và giận dữ; màu xanh lam tượng trưng cho cái ác hoặc nỗi buồn. Các lối trang điểm khác nhau tùy thuộc vào cả giới tính của nhân vật. Những sinh vật siêu nhiên như ma quỷ sẽ được trang điểm ấn tượng nhất. Các diễn viên sẽ tự trang điểm để có thể hiểu rõ hơn về nhân vật của mình. Ngoài ra, đôi khi mặt nạ Kabuki được trang trí sẵn cũng được sử dụng, cho dù loại mặt nạ này phổ biến hơn trong kịch Noh.
Thiết kế sân khấu và đạo cụ
Trang trí sân khấu rất xa hoa và thường bao gồm máy móc phức tạp. Thang máy di chuyển, bẫy và rèm cho phép người biểu diễn và bối cảnh chuyển động. Ví dụ: một diễn viên có thể đột ngột biến mất khỏi sân khấu và xuất hiện trở lại giữa khu vực khán giả, sàn có thể xoay để mô phỏng một con tàu đang di chuyển trên mặt nước. Các nhân vật ma quỷ thường được treo lơ lửng giữa không trung bằng dây thép, một quá trình được gọi là chunori. Khi bản thân các diễn viên cần “biến hình”, sẽ có những koken giúp họ. Koken là những trợ lý sân khấu giúp diễn viên thay đổi trang phục và đạo cụ. Họ thường mặc đồ đen để duy trì ảo giác rằng các nhân vật đang tự “biến hình”.
Sự tham gia của khán giả
Trong các buổi biểu diễn, không hiếm khán giả hò hét và cổ vũ cho diễn viên yêu thích của họ khi anh ấy xuất hiện trên sân khấu hoặc vỗ tay khi có điều gì đó thú vị xảy ra. Những người biểu diễn đôi khi thậm chí còn nói chuyện trực tiếp với khán giả. Chỉ trong những năm gần đây, sân khấu Kabuki đã bị tách biệt với vị trí của khán giả.
Xem kịch Kabuki ở đâu, khi nào?
Kabukiza, một nhà hát kịch Kabuki ở Ginza, Tokyo. Đúng như tên gọi, đây là nhà hát đặc biệt chỉ dành cho Kabuki. Nơi đây có 1.808 chỗ ngồi trên bốn tầng. Kabukiza là nhà hát có uy tín nhất, đồng thời là nhà hát Kabuki nổi tiếng nhất ở Nhật Bản.
Mặc dù có các nhà hát Kabuki ở Osaka, Nagoya, Kyoto và Fukuoka, nhưng Kabukiza là nhà hát duy nhất tổ chức các buổi biểu diễn gần như hàng ngày. Có khoảng 25 buổi biểu diễn hàng tháng (số lượng có thể thay đổi một chút).
Thông thường, sẽ có hai buổi diễn Kabuki trong một ngày, buổi biểu diễn sáng và buổi tối. Đôi khi, họ thậm chí có đến ba buổi diễn. Mỗi buổi biểu diễn sẽ kéo dài khoảng bốn tiếng. Buổi biểu diễn sáng bắt đầu từ 11h00 và kết thúc vào khoảng 15h00. Chương trình buổi tối bắt đầu từ 16h30 và kết thúc vào khoảng 20h30. Độ dài của mỗi buổi biểu diễn có thể thay đổi tùy theo vở kịch. Thời lượng dài có thể khiến bạn ngán ngẩm nhưng bạn yên tâm là sẽ có những khoảng thời gian nghỉ, từ 15 đến 30 phút.
Giá vé ban đầu rơi vào khoảng ¥ 2000 (~400,000 VND) cho một vở diễn, tùy theo chỗ ngồi, có phân khúc vé có giá lên đến 250.000 yên (~53,000,000 VND)! Khi đi xem kịch Kabuki, bạn không bắt buộc phải ăn mặc trang trọng để tham dự, tuy nhiên quần áo, giày dép quá “giản dị” hoặc hở hang cũng không phù hợp.
Tokyo
Tokyo có ba nhà hát Kabuki, Kabukiza, Shinbashi Enbujo và Nhà hát Quốc gia. Kabukiza là lâu đời nhất, được mở cửa từ đầu những năm 1900, nhưng gần đây đã được cải tạo dựa trên thiết kế ban đầu. Kabukiza và Kokuritsu Gekijo có hướng dẫn âm thanh bằng tiếng Anh cho thuê, trong khi Shinbashi Enbujo thường không cung cấp hướng dẫn bằng tiếng Anh.
-
歌舞伎座 (Kabukiza)
Địa chỉ: 4-12-15, Ginza, Chuo-ku, Tokyo (xem bản đồ)
Trang web: tại đây
-
新橋演舞場 (Shinbashi Enbujo)
Địa chỉ: 6-18-2, Ginza, Chuo-ku, Tokyo (xem bản đồ)
Trang web: tại đây
-
国立劇場 (Kokuritsu Gekijo)
Địa chỉ: 4-1, Hayabusa-cho, Chiyoda-ku, Tokyo (xem bản đồ)
Trang web: tại đây
Kyoto
Nơi mà Kabuki được sinh ra, chính là nhà hát Minamiza nổi tiếng của Kyoto. Được thành lập vào năm 1610, nhưng tòa nhà hiện tại được xây dựng lại vào năm 1929, đối diện với con sông nơi nữ tu sĩ Okuni biểu diễn. Hướng dẫn âm thanh bằng tiếng Anh có sẵn.
南 座 (Minamiza)
Địa chỉ: 198 Nakanomachi, Shijodori Yamatooji Nishiiru, Higashiyama, Kyoto (xem bản đồ)
Trang web: tại đây
Osaka
Nhà hát Shochikuza, mở cửa lần đầu tiên vào năm 1923. Nơi đây cung cấp các tập sách nhỏ bằng tiếng Anh và hướng dẫn bằng âm thanh.
大阪 松竹 座 (Osaka Shochikuza)
Địa chỉ: 1-1-19, Dotonbori, Chuo-ku, Osaka (xem bản đồ)
Trang web: tại đây
Fukuoka
Nhà hát Hakataza ở Fukuoka, trên đảo Kyushu, phía nam Nhật Bản, được xây dựng vào năm 1996. Hầu hết các vở kịch đều có bán sách giải thích bằng tiếng Anh.
博 多 座 (Hakataza)
Địa chỉ: 2-1 Shimokawabatamachi, Hakata-ku, Fukuoka (xem bản đồ)
Trang web: tại đây
Ở nước ngoài
Để biết thông tin về các tour diễn Kabuki nước ngoài, bạn có thể xem tại đây.
Hiệu ứng thị giác ngoạn mục của Kabuki khiến cho nghệ thuật truyền thống này được đánh giá cao ngay cả với những người không thông thạo ngôn ngữ địa phương, vì vậy đừng để việc không biết tiếng Nhật ngăn cản bạn thưởng thức nó nhé! Chỉ đọc về Kabuki là không đủ, để có thể đánh giá chính xác về Kabuki, bạn phải tự mình đi xem tận mắt!
Tham khảo: Japan Objects, Britanica
Chia sẻ: Sơn Thạch - WeXpats Team