Nhật Bản là một quốc gia rất chú trọng về việc thưởng thức thức ăn, đồ uống một cách thật tinh tế, cầu kỳ. Trong số đó, nghệ thuật thưởng thức trà của người Nhật, gọi tắt là trà đạo, đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới bởi cách pha chế trà và thưởng thức đầy tao nhã, thanh cao của nó.
Trà đạo là gì?
Trà đạo ở Nhật Bản là buổi tiệc trà nơi mà gia chủ sẽ pha chế và rót trà phục vụ quan khách. Không chỉ đơn giản là việc uống trà, trong một không gian yên tĩnh và bình lặng, trà đạo sẽ giúp nâng cao tinh thần của những người thưởng thức nó một cách nhẹ nhàng và chậm rãi.
Trà đạo không chỉ bao hàm việc uống trà mà còn là những dụng cụ sử dụng để pha chế, cách sắp xếp gian phòng để tổ chức tiệc trà, cách pha chế đúng điệu. Có thể nói, trà đạo là kết tinh của rất nhiều tinh hoa trong nền văn hóa và nghệ thuật của Nhật Bản.
Thông qua việc tham dự các nghi thức trà đạo, cả chủ lẫn khách đều có cơ hội trao đổi, giao tiếp với nhau một cách nhẹ nhàng, thanh tao. Trong trà đạo, câu nói “Ichi go Ichi e 一期一会” đã trở nên quá nổi tiếng, biểu thị ý nghĩ rằng món trà bạn uống hôm nay chỉ có thể được pha chế và thưởng thức một lần duy nhất trong đời nên cả hai bên đều sẽ hết sức trân trọng món quà tinh thần vô giá này.
Bài viết được tuyển chọn
Gian phòng uống trà và các dụng cụ pha chế
Các quy tắc bất di bất dịch của nghệ thuật trà đạo về gian phòng uống trà và các dụng cụ pha chế đi kèm sẽ được liệt kê dưới đây.
Gian phòng uống trà
Nói chung, gian phòng để uống trà chỉ những kiến trúc được xây dựng theo lối Souan 草庵. Nhưng ngày nay, chúng ta vẫn có thể chỉ dành riêng một căn phòng để thưởng thức trà, mà các nhà hàng hoặc khách sạn hiện nay rất thường xuyên áp dụng.
Gian phòng để uống trà nếu có diện tích lớn hơn 4 tấm chiếu Tatami sẽ được gọi là Hiroma 広間 và nhỏ hơn sẽ được gọi là Koma 小間. Diện tích của căn phòng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến không khí, cảm giác khi uống trà của mọi người. Mặc dù có thể bạn sẽ cảm thấy hơi bí bách khi lần đầu bước vào Koma nhưng chính sự chật hẹp đó sẽ đem gia chủ và khách xích lại gần nhau hơn.
Cửa vào của gian phòng uống trà được gọi là Nijiri-guchi にじり口, đây là một cánh cửa rất nhỏ đòi hỏi bạn phải khom lưng khi đi qua. Cửa Nijiri-guchi được tạo ra nhằm xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo, giai cấp giữa mọi người với nhau. Ngoài ra, các samurai khi đi qua cửa bắt buộc phải cởi bỏ vũ khí của mình nếu không họ sẽ không tài nào vào được. Nghệ nhân trà Sen no Rikyu 千利休 được sinh ra trong thời đại phân hóa giai cấp mạnh mẽ như thế nên ông càng nhấn mạnh sự quan trọng của những cánh cửa Nijiri-guchi.
Bước qua cánh cửa, điều đầu tiên đập vào mắt của bạn sẽ là tranh trang trí được gọi là Toko 床. Toko có ý nghĩa rất đặc biệt trong các nghi thức trà đạo vì người khách khi bước vào phòng đều phải cúi chào bức tranh này. Ngoài ra, người khách sẽ thấy một khoảng tatami được cắt ra để dùng làm nơi đun sôi nước pha trà.
Các dụng cụ pha chế trà tiêu biểu
Chén trà 茶碗
Chén trà 茶碗
Chén trà được gọi là Cha-wan 茶碗. Chén trà có rất nhiều loại khác nhau, thay đổi tùy theo nơi sản xuất và xuất xứ của nó.
Hũ đựng trà 棗
Hũ đựng trà nhỏ xinh màu đen 黒い棗
Hũ đựng trà, được gọi là Natsume 棗, dùng để chứa bột matcha (bột của lá trà). Tùy theo hình dáng mà cách cầm hũ đựng trà sẽ thay đổi.
Thìa 茶杓
Thìa 茶杓
Thìa, được gọi là Chashaku 茶杓, được dùng để múc matcha ra từ hũ đựng trà và cho vào chén uống trà. Tuy rằng chiếc thìa này phần lớn được làm từ tre, thìa làm từ ngà voi hoặc xương động vật cũng khá được ưa chuộng.
Chổi đánh trà 茶筌
Chổi đánh trà 茶筌
Chổi đánh trà, được gọi là Chasen 茶筌, là dụng cụ không thể thiếu để khuấy trà sau khi thêm nước nóng vào chén.
Gáo múc nước 柄杓
Gáo múc nước 柄杓
Gáo múc nước, được gọi là Hishaku 柄杓, là dụng cụ dùng để múc nước sôi.
Khăn ふくさ
Khăn ふくさ
Khăn, được gọi là Fukusa, là dụng cụ để lau hũ,lọ trà và muỗng trà khi pha trà.
Giấy Kaishi 懐紙
Giấy Kaishi 懐紙
Thay vì dùng đĩa, người ta sẽ dùng một tờ giấy nhỏ để lót các loại bánh kẹo khác nhau. Giấy này được gọi là giấy Kaishi, và chúng ta có thể dùng nó để lau miệng sau khi thưởng thức bánh kẹo xong.
Quá trình pha chế và thưởng thức trà
Uống trà お茶を飲む
Dưới đây mình sẽ giải thích thật ngắn gọn và đơn giản về các bước pha chế và uống trà. Nếu bạn muốn hiểu thêm về trà đạo, bạn nhất định phải đọc nhé.
Cách pha trà
Dùng thìa Chashaku lấy 2 muỗng matcha từ hũ đựng trà và dùng gáo Hishaku để rót nước sôi. Sau đó, hãy dùng chổi đánh trà để khuấy trong chén cho đến khi có bọt li ti nổi lên thì bạn có thể thưởng thức chén trà đó được rồi.
Cách uống trà
Trà và đồ ngọt được phục vụ tại buổi trà đạo, nhưng đồ ngọt cần được dùng hết trước khi trà được bưng ra. Khi được gia chủ lên tiếng rằng “Xin vui lòng dùng đồ ngọt”, hãy chắp tay trên tấm chiếu và cúi đầu thật cung kính, sau đó bạn mới được dùng đồ ngọt.
Tiếp theo, bạn cần nên biết về hướng của chén trà khi được dọn lên. Chén trà có mặt chính diện là mặt hướng về phía bạn khi được phục vụ. Để thể hiện sự tôn trọng với gia chủ pha trà trong nghi lễ trà đạo, hãy dùng trà sao cho mặt chính diện đó không hướng về phía bạn nhé.
Khi uống trà, bạn hãy cầm chén bằng tay phải trong khi tay trái xoay tách 2 lần theo chiều kim đồng hồ để tránh cho mặt chính diện hướng về phía mình. Matcha nên được uống hết trong vòng 2, 3 lần và sau khi uống hết, hãy xoay chén trà 2 lần theo hướng ngược chiều kim đồng hồ để trả mặt chính diện trở lại như ban đầu khi được phục vụ.
Lịch sử của trà đạo
Dụng cụ pha chế trà 茶道具
Người ta tin rằng trà đạo Nhật Bản được du nhập từ Trung Quốc cùng thời điểm với xu hướng Thiền.
Văn hóa uống trà du nhập từ Trung Quốc đã lan rộng đến mọi miền trên khắp đất nước Nhật Bản trong thời kỳ Kamakura cùng với sự truyền bá mạnh mẽ của Thiền tông. Vào cuối thời Kamakura, người dân thường đến thưởng thức trà đạo, và hoạt động phổ biến khi đó bao gồm cả việc thưởng thức lẫn tổ chức các trò chơi đoán lá trà.
Trong thời kỳ Muromachi tiếp theo, các samurai mang trong mình những bình trà Trung Quốc dần xuất hiện, và văn hóa trà đạo, hoạt động thể hiện sự trân trọng bậc cao đến các loại hình nghệ thuật nói chung, trở thành thường thức đối với các gia đình samurai. Vào thời điểm này, những hộp đựng trà đắt tiền đã được sử dụng trong các buổi tiệc trà đạo được tổ chức bởi Hoàng gia và samurai.
Sau đó, vào thời kỳ Azuchi-Momoyama, một nghệ nhân tên Senrikyu 千利休 mà mọi người dân Nhật Bản đều biết đến tên đã hoàn thiện nghệ thuật Wabi-cha わび茶, mà sau này trở thành nghệ thuật Trà đạo 茶道 của thời điểm hiện tại.
Wabi-cha được đặc trưng bởi tinh thần tìm kiếm vẻ đẹp của sự không hoàn thiện hay còn gọi là vẻ đẹp ẩn giấu sâu bên trong vẻ ngoài không hoàn hảo, và chính điều này đã tạo nên nét riêng của nó với nghi thức trà đạo được tổ chức bởi Hoàng gia và samurai thời bấy giờ.
Vẻ đẹp của sự không hoàn thiện mang đậm ý nghĩa Thiền sâu sắc. Wabi-cha sử dụng các công cụ pha trà không hề cầu kỳ, kiểu cách để tìm kiếm vẻ đẹp ẩn giấu trong lớp áo không hoàn hảo và tìm kiếm sự hoàn thiện trong tâm hồn mỗi người chúng ta.
Tinh thần trà đạo của nghệ nhân Rikyu sau đó đã được truyền lại cho một số nghệ nhân say mê với việc thưởng thức trà và các con cháu của họ, với 3 gia đình chính là “Omotesenke 表千家”, “Urasenke 裏千家” và “Mushakoji-senke 武者小路千家”. Những gia đình đó đã kế thừa và phát huy truyền thống trà đạo cho đến ngày nay.
Sau khi đọc xong bài viết này, các bạn có cảm thấy muốn uống trà matcha theo phong cách trà đạo không nào? Trà đạo là một nghệ thuật tao nhã không phân biệt giai cấp hoặc địa vị giàu nghèo, mà chỉ đơn giản là hình thức tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn thông qua việc thưởng thức trà đầy nhẹ nhàng, tinh tế.
Chia sẻ