Nhắc đến Nhật Bản không thể không nhắc đến mochi, một loại thức ăn biểu tượng và nổi tiếng của xứ sở Phù Tang. Đối với người Nhật, bánh mochi không những mang ý nghĩa văn hóa mà còn gắn bó trong nhiều hoạt động tinh thần trong đời sống. Qua bài viết sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về món bánh mochi thơm ngon này nhé!
Nhật Bản là một quốc gia với 4 mùa rõ rệt, mỗi mùa lại có những món ăn đặc trưng riêng. Tuy nhiên, đối với bánh mochi, người dân Nhật Bản vẫn ưa thích sử dụng quanh năm.
Mục lục
- Sự ra đời của bánh mochi
- Hình dung về chiếc bánh mochi may mắn của người Nhật
- Vì sao bánh mochi là biểu tượng may mắn trong dịp Tết của người Nhật
- Cách làm bánh mochi của người Nhật để đón Tết
Sự ra đời của bánh mochi
Tên gọi
Mochi (tiếng Nhật: 餅, もち) là loại bánh làm từ bột gạo nổi tiếng của Nhật Bản. Chúng được sử dụng phổ biến trong những bữa tráng miệng hằng ngày cũng như các dịp lễ hội, thờ cúng... Đối với người dân Nhật Bản, bánh mochi là một phần không thể thiếu để dâng lên cho thần linh vào những ngày đầu năm mới.
Nguồn gốc
Theo những ghi chép để lại, quá trình giã gạo để làm bánh mochi có nguồn gốc xuất phát từ Trung Hoa, nơi có nền văn hóa lúa nước phát triển hàng ngàn năm. Gạo đỏ là biến thể ban đầu được sử dụng trong quá trình làm ra bánh mochi, chúng chỉ được sử dụng bởi những bậc hoàng đế và quý tộc thời bấy giờ.
Khi du nhập vào Nhật Bản vào thời Heian, mochi được dùng làm thức ăn dâng cúng các vị thần và trong các nghi lễ tôn giáo trang trọng. Những nhà quý tộc của Nhật Bản cho rằng trong những sợi mochi tươi chứa đựng những mong cầu của họ cho một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc, trong khi mochi khô giúp răng chắc khỏe hơn.
Hiện nay, mochi đã trở thành một món ăn truyền thống thông dụng ở Nhật Bản. Món bánh ngọt nổi tiếng này cũng bắt đầu được đưa ra khắp thế giới và được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hưởng ứng tích cực bởi hương vị thơm ngon và đa dạng của chúng.
Bài viết được tuyển chọn
Hình dung về chiếc bánh mochi may mắn của người Nhật
Hình dáng
Bánh mochi Nhật Bản có dạng hình tròn, kích thước vừa nắm tay người lớn và có 3 lớp. Lớp ngoài cùng được làm bằng gạo nếp, tính dẻo. Lớp giữa là nhân đậu đỏ. Lớp trong cùng thường là kem lạnh.
Hương vị bánh
Bánh mochi có rất nhiều loại và nhiều cách chế biến khác nhau. Đối với bánh mochi truyền thống, khi ăn có cảm giác giống như bánh bao chỉ với lớp vỏ bánh dẻo, nhân bên trong ngọt thơm và rất cuốn hút.
Vì sao bánh mochi là biểu tượng may mắn trong dịp Tết của người Nhật
Bánh Mochi được bày biến, thưởng thức như thế nào trong dịp Tết
Bánh mochi trong tết là món ăn thờ cúng và không thể thiếu trong các gia đình ở Nhật Bản tương tự như bánh chưng, bánh tét ở Việt Nam. Người Nhật thường dọn mochi ở hốc tường Tokonoma một cách trang trọng hoặc trong nhà bếp. Những chiếc bánh mochi này được dùng với các tên đặc biệt hơn là Kagami mochi – tức bánh mochi dâng lên thần linh.
Ý nghĩa chung của bánh mochi
Bánh mochi với người Nhật không đơn giản chỉ là một món ăn thông thường mà còn mang trên mình giá trị về lịch sử và văn hóa sâu sắc. Thành phần chính của bánh mochi là gạo, theo quan niệm của người Nhật từ xưa, gạo chứa đựng những tinh hoa của đất trời thiên nhiên, vì vậy ý nghĩa bánh mochi qua đó đưa những tinh túy mà thần linh gửi gắm này vào cuộc sống, giúp đem lại hạnh phúc, ấm no và trọn vẹn cho con người nơi đây.
Ý nghĩa từng loại bánh mochi
Vào những dịp khác nhau, người ta lại dụng các loại bánh mochi khác nhau với những ý nghĩa riêng. Chẳng hạn bánh Dango được bày lên đĩa để cúng vào đêm trung thu và dâng lên thần linh. Loại bánh này còn mang tên là bánh ngắm trăng vì hình dáng đặc biệt của bánh. Bánh Kashiwamochi được ăn vào ngày tết thiếu nhi hay còn gọi là lễ hội của các bé trai để nhằm cầu chúc những điều may mắn và khỏe mạnh đến các bé trai. Ngoài ra, bánh mochi còn được sử dụng trong nhiều trường hợp khác với nhiều biến tấu khác nhau như bánh Hishi mochi trong lễ hội búp bê Hina, bánh Iwai Mochi được dùng trong lễ mừng thọ, nhập học, soup Zoni ăn vào các ngày tết, bánh sakura mochi sử dụng trong lễ hội ngắm hoa anh đào hay ăn bánh mochi Ohagi trong ngày xuân phân, obon...
Ngày 10/10 hằng năm là ngày mochi ở Nhật, cũng chính là ngày hội thể thao toàn quốc, lúc này những chiếc bánh mochi lại mang đến những ý nghĩa đặc biệt cho những người vận động viên thi đấu.
Cách làm bánh mochi của người Nhật để đón Tết
Nguyên liệu
Nguyên liệu chính để làm bánh mochi là gạo nếp, gạo được chọn lọc sao cho món bánh làm ra có độ kết dính cao, ngọt và dẻo. Ngoài ra người làm còn cần chuẩn bị thêm nước dừa, đậu đỏ, đậu xanh, kem trà xanh… tùy vào loại bánh muốn thực hiện.
Chế biến
Sau khi đã chuẩn bị nguyên liệu, trộn gạo với đường cát trắng và nước cốt dừa, hấp cách thủy đến khi gạo chín rồi đem đi giã nhuyễn. Hai người dùng chày gỗ chà mạnh để hạt cơm nát ra tạo thành khối bột thô. Một người trong nhóm tiếp tục dùng chày giã mạnh và đều tay trong khi người còn lại liên tục đảo khối bột và rẩy một ít nước lên đó để bột trở nên dày mịn, trơn láng. Khi đã hoàn tất công đoạn giã bột, tùy vào mục đích và sở thích của người làm mà các loại mochi khác nhau sẽ được chế biến tiếp tục.
Bánh mochi là món ăn thơm ngon mang nhiều giá trị trong đời sống tinh thần của người dân Nhật Bản từ thời xưa. Hạt gạo được thần linh ban tặng được người Nhật trân quý và chế biến thành những món ăn đa dạng với nhiều ý nghĩa khác nhau. Nếu bạn là người có đam mê về ẩm thực hay muốn khám phá những nét đẹp văn hóa xứ sở hoa anh đào. Trải nghiệm hương vị của những chiếc bánh mochi sẽ khiến bạn càng thêm yêu quý đất nước tuyệt vời này hơn đấy!