Người Nhật Bản sử dụng 2 loại lịch song song với nhau là lịch Dương và lịch theo niên hiệu (gengouー元号). Một số bạn khi mới đến Nhật sẽ cảm thấy rất bối rối khi điền vào những tờ khai yêu cầu năm sinh của bạn được đổi sang niên hiệu. Vì vậy, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây về niên hiệu Nhật Bản để hiểu thêm về hình thức tính năm độc đáo này của người Nhật nhé.
Niên hiệu là gì?
Niên hiệu là cách tính năm dựa trên niên hiệu của các đời Nhật Hoàng, theo đó năm đầu tiên trị vì của một Nhật Hoàng sẽ được gọi bằng Niên hiệu- Gannen, từ các năm sau sẽ gọi bằng Niên hiệu-số năm tương ứng. Ví dụ: Nhật Hoàng của Nhật hiện nay đã lấy niên hiệu là Heisei và lên ngôi năm 1989, do vậy năm 1989 được gọi là Heisei Gannen, năm 1990 là Heisei 2 (Heisei Ni-nen), năm 1991 là Heisei 3 (Heisei San-nen)…
Bài viết được tuyển chọn
Tại sao người Nhật sử dụng niên hiệu?
Niên hiệu chính là kết quả của một hệ thống hóa thời kỳ lịch sử do Thiên hoàng Koutoku thiết lập năm 645. Việc sử dụng Niên hiệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, chỉ còn Nhật Bản vẫn còn sử dụng hệ thống này. Trong các giấy tờ chính thức, chính phủ Nhật Bản đòi hỏi người dân phải viết năm dựa trên Niên hiệu. Người Nhật cũng cho rằng việc phân chia các năm theo niên hiệu giúp họ ghi nhớ những sự kiện quan trọng một cách dễ dàng hơn, như việc khủng hoảng kinh tế xảy ra vào đầu năm Heisei. Năm 2019 này là năm cuối cùng của Heisei, do vậy đây là một sự kiện trọng đại.
- Heisei (平成): Từ năm 1989 đến nay.
- Showa (昭和): Từ năm 1926 đến năm 1989.
- Taishou (大正): Từ năm 1912 đến năm 1926.
- Meiji (明治): Từ năm 1868 đến năm 1912.
- Keio (慶応): Từ năm 1865 đến năm 1868.
- Genji (元治): Từ năm 1864 đến năm 1865.
- Bunkyu (文久): Từ năm 1861 đến năm 1864.
- Man-en (万延): Từ năm 1860 đến năm 1861.
Đổi năm dương lịch sang niên hiệu Nhật Bản
Bạn có thể quy đổi năm sinh của mình thành Niên hiệu Nhật Bản theo cách đơn giản sau. Đầu tiên, xác định năm sinh của mình thuộc Niên hiệu nào và lấy Niên hiệu-Gannen của Niên hiệu đó. Sau đó, lấy năm sinh của mình trừ đi Niên hiệu-Gannen cộng thêm 1 và bạn sẽ có được năm sinh theo Niên hiệu Nhật Bản.
Ví dụ: người sinh năm 1997 sẽ thuộc Niên hiệu Heisei (1989-nay). Lấy 1997-1989 (Heisei-gannen) +1 = 9. Suy ra năm 1997 sẽ là Heisei 9. Rất đơn giản phải không nào?
Sự kiện đổi niên hiệu năm 2019
Nhật Hoàng Akihito thoái vị vào năm 2019 sẽ dẫn đến sự kết thúc của năm Heisei. Điều này là nguyên nhân chính cho một số sự kiện quan trọng như việc chính phủ Nhật quyết định tử hình 13 thành viên của giáo phái Aum, thủ phạm chính của vụ tấn công bằng khí độc trên tàu điện ngầm Nhật bản năm 1995. Ngoài ra, việc thay đổi lịch sẽ phụ thuộc vào Niên hiệu mà Thái tử Naruhito chọn khi lên ngôi vào tháng 5 năm 2019 này.
Nước Nhật đã có tổng cộng 247 niên hiệu kể từ khi Hoàng đế Koutoku đặt niên hiệu đầu tiên vào năm 645. Vì vậy, tất cả người dân Nhật Bản đang theo dõi sát sao sự kiện thay đổi niên hiệu của năm 2019 này, đặc biệt là các công ty làm lịch. Một số người quan ngại về việc hệ thống máy tính có thể sẽ không thể cập nhật trơn tru việc thay đổi Niên hiệu đột xuất này.
Cập nhật vào ngày 1/4/2019, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide đã chính thức công bố niên hiệu của triều đại mới là Reiwa (kanji 令和, Hán Việt “Lệnh Hòa”) trong buổi họp báo tại Văn phòng Thủ tướng ở Tokyo. Niên hiệu Reiwa này sẽ được sử dụng sau khi Thái tử Naruhito đăng cơ vào ngày 1/5/2019 tới. Đây sẽ là bước ngoặt mở đầu cho một kỷ nguyên mới của đất nước Nhật Bản.
Về ý nghĩa của từ Reiwa, Thủ tướng Abe Shinzo nói rằng những chữ kanji này được chọn từ tập thơ cổ nhất Nhật Bản có tên gọi Vạn Diệp Tập, được xuất bản vào năm 730. Ông nhấn mạnh rằng Reiwa thể hiện tinh thần quyết tâm xây dựng một nước Nhật hiện đại nhưng không để những giá trị truyền thống phai nhạt của thế hệ hiện tại dành cho thế hệ tương lai. Theo khảo sát toàn quốc của tờ báo điện tử Kyodo, có 74% người dân ủng hộ niên hiệu mới này. Rất nhiều hoạt động liên quan đến việc công bố niên hiệu mới đã diễn ra toàn quốc, từ việc người dân khoe niên hiệu Reiwa viết bằng thư pháp tới các nhân viên vườn thú Nhật Bản hướng dẫn những chú voi vẽ chữ Reiwa bằng vòi.
Bìa viết này đã giới thiệu cho bạn về Niên hiệu Nhật Bản, một hình thức phân chia năm độc đáo của người Nhật. Mong là bạn sẽ ghi nhớ cách quy đổi năm Dương lịch sang Niên hiệu được nêu ở trên để không quá bỡ ngỡ khi điền giấy tờ ở Nhật nè.
Chia sẻ