Tuy văn hóa phương Tây đã tác động mạnh lên lối sống và suy nghĩ của người Nhật Bản, những lễ cưới ngày nay của người dân xứ sở Phù Tang vẫn mang trong mình những nét phong tục truyền thống được giữ gìn từ thời xa xưa. Bài viết này sẽ cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan về lễ cưới kiểu Nhật Bản, các loại nghi thức và trang phục của các cặp đôi người Nhật.
Hiện nay, chúng ta có thể chia lễ cưới Nhật Bản thành 2 loại là lễ cưới theo kiểu Nhật và lễ cưới theo kiểu Tây. Vì Nhật Bản là một đất nước châu Á nên một số phong tục trong lễ cưới cũng sẽ mang nhiều nét tương đồng với lễ cưới ở Việt Nam. Dù vậy, lễ cưới kiểu Nhật vẫn có những nét rất riêng và đặc biệt. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để xem điểm chung và riêng đó là gì nhé.
Lễ cưới kiểu Nhật
Trang phục cưới kiểu Nhật Bản
Ở đám cưới truyền thống kiểu Nhật, cô dâu sẽ được trang điểm theo kiểu geisha và sẽ được búi tóc gọn gàng. Cô dâu cũng sẽ khoác trên mình một bộ kimono màu trắng có tên là Shiromukuー白無垢 và đội một chiếc mũ lớn cũng màu trắng là Tsuno-kakushiー角隠し (“che giấu sừng”, ám chỉ việc cô dâu không được phép ghen tuông) thể hiện sự khuất phục trước chồng của mình. Màu trắng tinh khôi của Shiromuku tượng trưng cho sự trong sáng, thuần khiết của cô dâu. Trái ngược lại, chú rể sẽ mặc một bộ kimono màu đen có thêu gia huy lên thân áo.
Lễ cưới diễn ra ở đền thờ
Lễ cưới kiểu Nhật là một sự kiện diễn ra từ sáng tới gần tối và thường được tổ chức ở đền thờ Thần đạo. Người của đền thờ sẽ đứng ra tổ chức buổi lễ này. Nếu bạn đã từng đến thăm những ngôi đền lớn ở Nhật Bản như đền Meiji-jingu ở Tokyo, chắc chắn là bạn sẽ nhìn thấy một đám cưới được tổ chức tại đây, với cô dâu và chú rể đi trước và những người thân trong gia đình hai bên đi theo sau. Người mẹ sẽ mặc một loại áo kimono màu đen được trang trí tinh xảo gọi là Tomesodeー留袖. Trong khi đó, những người đàn ông khác sẽ mặc vest đen và thắt cà vạt trắng.
Lễ cưới sẽ được bắt đầu với nghi lễ cúng bái thần linh của những người ở đền thờ. Tiếp theo, cô dâu và chú rể sẽ được thanh tẩy, và chú rể sẽ trao lời thề bên nhau trọn đời cho cô dâu. Cặp đôi sẽ cùng nhau uống 3 chén rượu sake có kích thước nhỏ, trung bình, và lớn, minh chứng cho lời thề đó. Nghi thức này được gọi là san-san-kudo (3×3=9).
Sau nghi lễ, cô dâu và chú rể sẽ thay trang phục. Chú rể sẽ mặc áo vest và thắt cà vạt, trong khi cô dâu sẽ chỉnh trang lại lớp trang điểm và thay cho mình một bộ kimono có màu sắc sặc sỡ hơn gọi là iro-uchikakeー色打掛. Hai người sẽ cũng ăn với gia đình hai bên những món Nhật truyền thống trong một căn phòng trải chiếu tatami Nhật Bản.
Bài viết được tuyển chọn
Lễ cưới kiểu phương Tây
Trang phục
Lễ cưới kiểu phương Tây ở Nhật Bản cũng tương tự như đa số lễ cưới ở Việt Nam, với chú rể mặc áo vest và thắt nơ hoặc cà vạt, trong khi cô dâu sẽ mặc áo soire màu trắng thật lộng lẫy. Điểm khác biệt là tuy cô dâu chú rể không theo đạo Chúa, nhưng một số lễ cưới sẽ được diễn ra ở nhà thờ. Đó là vì một số người Nhật cảm thấy việc tổ chức lễ cưới ở nhà thờ rất lộng lẫy và sang trọng.
Nghi lễ cưới kiểu phương Tây
Thông thường, lễ cưới kiểu phương Tây sẽ diễn ra ở hội trường lớn hoặc ở một nhà hàng, khách sạn sang trọng. Như ở Việt Nam, lễ cưới Nhật Bản cũng sẽ có nhạc nền nhẹ nhàng, bàn ghế và những bức tường sẽ được trang trí bằng những đóa hoa tươi, và người thân, họ hàng của cô dâu chú rể sẽ phát biểu cảm nghĩ cũng như gửi lời chúc mừng đến cặp uyên ương. Tiền mừng cưới thông thường vào khoảng 30,000 yên (tức 6 triệu đồng) và có thể hơn, tùy theo sự thân thiết của quan khách tham dự với cô dâu và chú rể. Chi phí cho một đám cưới kiểu phương Tây thường đắt hơn kiểu Nhật rất nhiều, trung bình khoảng 3-4 triệu yên (tức 6-800 triệu đồng).
Nếu bạn được mời đi dự lễ cưới kiểu phương Tây của người Nhật, hãy mặc một chiếc áo vest đen và thắt cà vạt trắng nếu bạn là nam, và mặc một chiếc váy đầm nếu bạn là nữ (nên là màu tối). Cần lưu ý chuẩn bị tiền mừng cưới cho phù hợp và không rủ thêm bạn bè nào khác đi cùng nhé.
Bài viết trên đã giới thiệu cho bạn về 2 hình thức tổ chức lễ cưới khác nhau của người Nhật Bản. Dù là nghi thức truyền thống hay hiện đại thì lễ cưới của người Nhật Bản vẫn có một số điểm tương đồng với lễ cưới của người Việt Nam đúng không nào?
Chia sẻ