Mì Ramen - những điều bạn chưa biết về ẩm thực truyền thống Nhật Bản

WeXpats
2021/03/12

 Món mì Ramen trứ danh từ lâu đã trở thành một niềm tự hào trong ẩm thực nói riêng và văn hoá nói chung của người dân xứ sở hoa anh đào. Không chỉ nổi tiếng tại Nhật mà tên tuổi của Ramen đã lan rộng ra khắp nơi trên thế giới. Có thể nói sự tinh tế, tỉ mỉ trong cách chế biến của người Nhật đã làm nên nét độc đáo của món ăn này. 

Thưởng thức mì Ramen ngon nhất Nhật Bản tại đây

Mục lục

  1. Mì Ramen là mì gì?
  2. Các loại mì Ramen
  3. Cách ăn mì Ramen đúng chuẩn
  4. Từ vựng tiếng Nhật liên quan đến mì Ramen

Mì Ramen là mì gì?

Nguồn gốc mì Ramen

 Ramen được nhiều người biết đến là một phát minh của Nhật Bản, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu món mì này được xuất xứ ở Nhật Bản hay Trung Quốc. Các cửa hàng mì Ramen bắt đầu trở nên nổi tiếng ở cả hai quốc gia này vào đầu những năm 1900. Trên thực tế, món mì này ban đầu được gọi là mì "soba của Trung Quốc"ở Nhật Bản cho đến những năm 1950. Chính những người Trung Quốc nhập cư đã bắt đầu bán Ramen trên những xe đẩy. Tuy nhiên, sự phổ biến của mì Ramen ở Nhật Bản chỉ tăng vọt sau Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai, khi quân đội Nhật Bản trở về quê hương từ Trung Quốc và họ đã có một cách nhìn nhận mới đối với ẩm thực Trung Quốc. Điều này cũng dẫn đến sự gia tăng đột biến của nhà hàng Trung Quốc mới trên khắp đất nước Nhật Bản.

 Vì vậy, dù khó có thể nói chính xác 100%, nhưng có lẽ không sai khi nói rằng Ramen là một món ăn được phát minh ra ở Trung Quốc, nhưng lại trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Và chính Nhật Bản đã thực sự làm món ăn này nổi tiếng thế giới với những nét đặc trưng riêng của mình.

Mì Ramen được làm từ gì?

 Giống như nhiều loại mì khác, Ramen được làm từ bột mì, nước và muối. Hỗn hợp này được nhào với nhau thành bột, sau đó được cán (hoặc kéo tay), cắt và hấp. Nhưng có một thành phần quan trọng khiến Ramen khác biệt, đó chính là kansui, một loại nước kiềm làm cho sợi mì ramen có vị dai đặc trưng. Mặc dù có thể thay thế kansui bằng baking soda, nhưng những nghệ nhân Ramen Nhật Bản thực thụ sẽ luôn sử dụng kansui. Nước dùng Ramen rất đậm đà, một bát mì Ramen hoàn chỉnh thường đi kèm với thịt lợn thái mỏng nấu chín, hành lá tươi và một quả trứng luộc lòng đào. So sánh với Ramen thì phở Việt Nam có nước dùng nhạt hơn, bánh phở được làm từ gạo và thường ăn cùng với thịt bò, thịt gà chứ không phải thịt lợn. 

Các loại mì Ramen

Shio Ramen (塩ラーメン)

 Shio (塩) nghĩa là muối trong tiếng Nhật nên từ cái tên bạn cũng có thể đoán ra được hương vị của loại Ramen này. Nước dùng thường là nước hầm thịt gà hoặc thịt lợn và được nêm với muối. Nước dùng của Shio Ramen có màu vàng nhạt, trong và có vị mặn. Shio Ramen là loại Ramen lâu đời nhất và thường sử dụng sợi mì thẳng, dài, chứ không phải sợi xoăn.

Shoyu Ramen (醤油ラーメン)

 Vị của Shoyu Ramen là mặn và dịu vì nước dùng trong và sợi mì được dùng thường là sợi mì xoăn mỏng. Shoyu Ramen cũng được biết đến là một trong những loại Ramen lâu đời nhất và được coi là phiên bản gần giống nhất với bản gốc của Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện tại Nhật. Loại Ramen này phổ biến đến mức nếu bạn bước vào một cửa hàng Ramen và không thấy ghi rõ ràng họ bán Ramen gì, rất có thể bạn sẽ được phục vụ Shoyu Ramen.

Tonkotsu Ramen (豚骨ラーメン)

 Tonkatsu là một loại mì ramen làm từ nước dùng có màu trắng đục, được hầm từ xương heo (Tonkotsu có nghĩa là xương heo). Nước súp đặc hơn các loại Ramen khác và có bơ, món Ramen này cũng có mùi thịt lợn đặc trưng khiến bạn dễ dàng nhận ra. Tonkotsu Ramen bắt nguồn từ vùng Kyushu của Nhật Bản và là loại mì Ramen nổi tiếng nhất của xứ Phù Tang. Một số thương hiệu Tonkotsu Ramen nổi tiếng thế giới có thể kể đến như Ichiran (一蘭), Ippudo (一風堂) ... 

Trải nghiệm mì Tonkotsu Ramen Ichiran tại đây

Miso Ramen (味噌ラーメン)

 Nước dùng của Miso Ramen sử dụng tương miso làm từ đậu nành. Bắt nguồn từ Hokkaido, Miso Ramen có hương vị mạnh vì tương miso rất ngậy. Nước dùng cũng được hầm từ thịt gà và thịt lợn. Hương vị của Miso Ramen có thể thay đổi tùy thuộc vào loại tương miso được sử dụng vì vậy Miso Ramen rất linh hoạt và phù hợp với nhiều loại nguyên liệu khác nhau.

Tantan-men (坦々麺)

 Loại Ramen này là cũng là một kiểu Ramen phổ biến, có sử dụng thêm một số nguyên liệu Trung Quốc và là một lựa chọn tuyệt vời cho những người thích ăn cay. Món ramen này sử dụng tương miso nhưng bổ sung thêm sữa đậu nành, dầu cay, dầu mè và thịt lợn băm. Nước súp đặc sệt màu đỏ mang lại hương vị cay, mặn. 

Tsuke-men (つけ麺)

 Tsuke-men là một phiên bản Ramen “nhúng”, mì và nước dùng được phục vụ riêng biệt và được ăn bằng cách nhúng mì vào nước súp (khá giống với cách ăn bún chả Việt Nam). Sợi mì thường dày và dai hơn vì chúng không được ngâm trong nước dùng và được rửa qua nước lạnh trước khi ăn. Bản thân nước dùng của Tsuke-men cũng đậm đặc và đậm đà hơn rất nhiều. Mì có thể được phục vụ nóng hoặc lạnh và nước dùng có nhiều tùy chọn hương vị và thành phần khác nhau, tùy theo quán.

Abura-soba/Maze-soba (油そば/まぜそば)

 Đừng để cái tên đánh lừa bạn, đây không phải là mì soba, mà chính là Ramen đấy! Đây là kiểu mì Ramen không có nước dùng, giống như mì trộn ở Việt Nam. Mì được chuẩn bị đầy đặn cùng với các nguyên liệu khác. Khi ăn, bạn phải trộn đều mì cùng tất cả các nguyên liệu với sốt tare của mì khi ăn. Sốt tare thường là nước tương shoyu, nhưng bạn có thể cho thêm dầu cay rau, dấm... 

Ramen ăn liền (インスタントラーメン)

 Đây chính là loại Ramen đã “cứu đói” cho hàng triệu sinh viên Việt Nam mỗi năm. Mì Ramen ăn liền được phát minh ra ở Yokohama nhưng đã lan rộng ra toàn thế giới vì sự tiện lợi, giá cả và hương vị của nó. Dù ở dạng cốc hay dạng gói, đặc trưng của loại mì này là mì đông khô có kèm gói bột gia vị. Bạn chỉ cần ngâm nước nóng vài phút là có thể thưởng thức. Nhanh, rẻ và ngon, loại ramen này được khách du lịch, sinh viên và những người tìm kiếm một bữa ăn nhanh trên đường đi, trong giờ làm việc, ... ưa chuộng. 

 Ngoài ra, lịch sử lâu đời của Ramen đã cho ra đời nhiều biến thể mới của các loại Ramen phổ biến kể trên, có thể kể đến như Jiro-kei Ramen, Iekei Ramen...

Cách ăn mì Ramen đúng chuẩn

 Bản chất mì Ramen là một món ăn bình dị nên không có những nghi thức nghiêm ngặt, bạn có thể ăn thoải mái. Tuy nhiên, để thưởng thức một bát Ramen ngon đúng điệu và chuẩn chỉ nhất, bạn cần làm theo những bước sau đây.

Nếm thử nước

 Đối với miếng đầu tiên, hãy sử dụng レンゲ (renge)- thìa gốm ăn Ramen, để nếm thử một cách kỹ lưỡng nước dùng. Miếng tiếp theo là dùng đũa để nếm thử sự kết hợp của mì và nước dùng. Sau đó, ăn từng chút một nguyên liệu, mì, nước dùng. Bạn cũng nên lưu ý nếu để lâu, sợi mì sẽ bị vữa, ảnh hưởng đến mùi vị. Khi bát Ramen của bạn được bày ra, bạn nên ăn càng sớm càng tốt.

"Xì xụp" bát mì Ramen

 Cách ăn Ramen được xem là một cách ăn thú vị, bởi vì người Nhật cho rằng ăn Ramen thì nên tạo ra âm thanh “xì xụp". Có thể bạn sẽ thấy lạ, vì ở Việt Nam, điều này được cho là bất lịch sự. Người Nhật thậm chí còn gọi đây là "âm thanh ngon lành". Về mặt khoa học, có giả thuyết cho rằng tạo ra tiếng thì sẽ ăn ngon hơn. Nếu bạn muốn thử cách ăn của người Nhật, đừng cuộn sợi mì như mì ống, hãy nhấc mì lên bằng đũa và đưa vào miệng. Tuy nhiên, ăn mà không tạo ra tiếng cũng không có nghĩa là bạn đang vi phạm phép xã giao của người Nhật. Ngay cả người Nhật cũng không thích tiếng “xì xụp” và việc nước dùng bắn tung tóe, vì vậy họ cũng chỉ ăn một cách nhẹ nhàng. Để ăn mì Ramen mà không tạo ra tiếng xì xụp, thì bạn nên dùng đũa đặt mì lên thìa và ăn từ đó.

Húp sạch nước dùng

 Nếu bạn vẫn còn đói sau khi ăn hết mì và các topping khác, hãy húp hết nước dùng. Người Nhật quan niệm rằng việc làm này chính là một lời tri ân đối với người đầu bếp, hành động này mang ý nghĩa rằng "Nước dùng rất ngon". Người Nhật cũng thường dùng cơm để ăn nốt với nước dùng Ramen. Tuy nhiên, nước dùng Ramen thường có nhiều muối và chất béo, vì vậy nếu bạn lo lắng về sức khỏe của mình, bạn không cần phải ép mình húp hết mà chỉ cần nói "ご馳走様です" (Gochisosama desu), có nghĩa là “Cảm ơn vì bữa ăn ngon" với người đầu bếp cũng đủ để truyền tải được sự biết ơn của bạn đến họ. 

Từ vựng tiếng Nhật liên quan đến mì Ramen

Từ vựng cho mì Ramen Tonkotsu

  • Kaedama (替え玉): thêm mì để ăn tiếp với nước dùng còn lại

  • Bariyawa (ばりやわ) : sợi cực kỳ mềm

  • Yawarakai (柔らかい): sợi mềm

  • Barikata (ばりかた) : sợi hơi cứng

  • Harigane (ハリガネ): sợi rất cứng

Từ vựng cho Tsukemen

  • Atsumori (あつもり): sợi mì nóng

  • Hiyamori (ひやもり): sợi mì lạnh

  • Suupuwari (スープ割): xin nước dùng dashi cho vào phần nước còn thừa sau để húp nốt

Từ vựng cho Iekei Ramen

  • Độ đậm nhạt nước dùng: Koime (濃いめ) - đậm/ Futsu (普通) - bình thường/ Usume (薄め) - nhạt

  • Độ cứng của sợi mì: Katame (硬め) - cứng/ Futsu (普通) - bình thường/ Yawarakame (柔らかめ) - mềm

  • Lượng mỡ: Oome (多め) - nhiều/ Futsu (普通) - bình thường/ Sukuname (少なめ) - ít

Từ vựng cho Jiro-kei Ramen

 Ở các quán Jiro Ramen, người ta thường cho rất nhiều topping như giá, tỏi, … Nhân viên sẽ hỏi xem bạn muốn ăn lượng như thế nào. Bạn có thể trả lời như sau:

  • Zenbu futsu de (全部普通で) : tất cả bình thường

  • Mashi (まし) : nhiều hơn bình thường

  • Mashimashi (ましまし) : nhiều gấp đôi

  • Chomoranma (ちょもらんま) : nhiều gấp 3

 Ở Nhật có rất nhiều quán Ramen khác nhau với nhiều hương vị khác nhau vì vậy nếu có dịp đặt chân đến đất nước Nhật Bản, hãy thưởng thức thật nhiều loại Ramen để không hối tiếc nhé!

 

Chia sẻ: Sơn Thạch - WeXpats Team

 

Tác giả

WeXpats
Chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn nhiều bài viết đa dạng từ những thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề cuộc sống, công việc, du học cho đến các chuyên mục giới thiệu về sức hấp dẫn sâu sắc của đất nước Nhật Bản.

Mạng xã hội ソーシャルメディア

Nơi chúng tôi thường xuyên chia sẻ những tin tức mới nhất về Nhật Bản bằng 9 ngôn ngữ!

  • English
  • 한국어
  • Tiếng Việt
  • မြန်မာဘာသာစကား
  • Bahasa Indonesia
  • 中文 (繁體)
  • Español
  • Português
  • ภาษาไทย
TOP/ Cuộc sống ở Nhật/ Ăn uống & Mua sắm/ Mì Ramen - những điều bạn chưa biết về ẩm thực truyền thống Nhật Bản

Trang web của chúng tôi sử dụng Cookie với mục đích cải thiện khả năng truy cập và chất lượng của trang web. Vui lòng nhấp vào "Đồng ý" nếu bạn đồng ý với việc sử dụng Cookie của chúng tôi. Để xem thêm chi tiết về cách công ty chúng tôi sử dụng Cookie, vui lòng xem tại đây.

Chính sách Cookie