Nếu bạn là người đã sống ở Nhật một thời gian, chắc hẳn bạn sẽ không ít lần gặp phải trường hợp được người Nhật hẹn mời đến nhà chơi nhưng mãi mà không thấy rủ rồi người đó cứ thế lặn mất tăm. Ở Nhật Bản, tình huống kiểu như thế này rất hay xảy ra. Nếu bạn không biết nhiều về văn hóa Nhật Bản, mình chắc chắn rằng bạn sẽ bối rối và tự hỏi tại sao người Nhật lại làm như vậy. Có thể bạn nghĩ người Nhật thô lỗ hoặc họ đang giấu bạn điều gì nhưng sự thật là những lời mời đến chơi nhà đó thường được nói chỉ để lịch sự, và nó không phải là một lời mời thực sự.
Mục lục:
- Honne (本音) và Tatemae (建前) là gì?
- Tại sao người Nhật lại hành xử theo kiểu Honne và Tatemae?
- Honne và Tatemae trong văn hóa làm việc của người Nhật
- Người nước ngoài nên làm gì để “đối phó” với Honne và Tatemae?
Honne (本音) và Tatemae (建前) là gì?
Trường hợp như trên có thể được gọi là một ví dụ về 本音と建前/Honne và Tatemae trong tiếng Nhật. 本音/Honne là cảm xúc và mong muốn thực sự của một người, và 建前/Tatemae, là những ý kiến và hành vi mà một người thể hiện trước mặt người khác. Nghe có vẻ phức tạp, nhưng thực ra nó không có gì mới và là một cách ứng xử hoàn toàn phổ biến trong các nền văn hóa ở mọi nơi trên thế giới.
Bài viết được tuyển chọn
Tại sao người Nhật lại hành xử theo kiểu Honne và Tatemae?
Trong văn hóa Nhật Bản, mọi người thường tránh đối đầu hoặc bất đồng trực tiếp ở nơi công cộng, bởi vì không đồng ý với người khác được coi là sự xấu hổ và điều đó có thể làm giảm vị thế xã hội của bạn. Do đó, Honne thường được giấu kín vì chúng có thể trái ngược với những gì mà xã hội mong đợi hoặc những gì được yêu cầu tùy theo vị trí và hoàn cảnh của một người.
Nhật Bản là một quốc đảo với mật độ dân số khoảng 347 người/km² (trong đó, khoảng 6.157 người/km² ở Tokyo). Để đảm bảo xã hội vận hành trơn tru, mọi người cần phải hành động với ý thức quan tâm, để ý đến người khác và tránh xung đột càng nhiều càng tốt. Nếu không làm như vậy, một người có thể bị coi là hung hăng hoặc cố ý xúc phạm. Bằng cách áp dụng hành vi Tatemae, một người được xã hội bảo vệ và được coi là một phần của xã hội (điều này giải thích tại sao người Nhật thích làm việc theo nhóm hơn là một mình). Tatemae là thứ được xã hội Nhật Bản mong đợi, vì vậy nó có thể có hoặc không phù hợp với Honne của một người và đó là lý do tại sao đôi khi người ta nói dối để tránh bộc lộ cảm xúc thật. Theo một cách nào đó, người Nhật đang làm như vậy để lịch sự ở nơi công cộng.
Trên thực tế, mỗi nền văn hóa đều có một số khía cạnh của Honne và Tatemae. Để vừa lòng đồng nghiệp và có thể được thăng chức, nhân viên văn phòng ở nhiều quốc gia không thoải mái bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc cá nhân với ông chủ của họ. Trong thời đại công nghệ thông tin, khi nghĩ đến việc một bài đăng trên mạng xã hội có thể được lan truyền nhanh chóng như thế nào, mọi người đều cẩn trọng với số lượng và loại thông tin họ chia sẻ để không vô tình xúc phạm hoặc làm tổn thương người khác.
Vì vậy, thật sai lầm nếu kết luận đơn giản rằng người Nhật là kẻ hai mặt và thô lỗ. Honne và Tatemae là một hành vi tự nhiên trong một xã hội tập thể, nhằm tránh xung đột với người khác. Tuy nhiên, điều này có thể gây căng thẳng, đặc biệt là đối với những người đến từ các quốc gia khác. Mỗi khi nói chuyện với ai đó ở nơi công cộng, bạn cần phải “đọc” được suy nghĩ của họ và đánh giá xem họ đang Honne hay Tatemae.
Honne và Tatemae trong văn hóa làm việc của người Nhật
Các văn phòng Nhật Bản thường hoạt động theo các quy tắc xã hội nghiêm ngặt và việc điều hướng thành công những quy tắc này thường đòi hỏi mọi người không nói ra suy nghĩ của họ. Vì vậy, Tatemae, bộ mặt công khai mà tất cả chúng ta thể hiện ra ở một mức độ nào đó, trở thành quy luật. Điều này, như mình đã nói ở trên, cũng đúng ở các nền văn hóa khác! Bạn chắc chắn chưa bao giờ nói với sếp của mình rằng bạn ghét công việc này khi sếp đến bên và hỏi thăm bạn (dù bạn cực kỳ ghét nó), bởi vì đó là sếp của bạn và bạn cần công việc này.
Đối với một người không phải là người Nhật, quy tắc ứng xử bất thành văn này cũng được gói gọn trong một ngôn ngữ mới và một nền văn hóa mới, vì vậy nó có cảm giác như một thứ gì đó hoàn toàn xa lạ. Có cảm giác như mọi thứ đều bị che khuất sau mặt tiền, vì vậy đôi khi chúng ta cho rằng người Nhật chỉ đang che giấu mọi thứ. Điều này hầu như luôn luôn là một sai lầm.
Hãy nghĩ về một nhân viên văn phòng, một phụ nữ ở độ tuổi cuối 20, đang sống xa quê hương ở thành phố lớn. Cô ấy đang làm việc trong một công ty công nghệ và hy vọng sẽ được thăng chức. Người quản lý mới được thăng chức của cô ấy thường đến cạnh bàn làm việc của cô ấy và đùa giỡn. Cô ấy cười trước những câu chuyện cười của anh ta, và lấy trà khi anh ta yêu cầu. Sau đó, bạn và cô ấy đang nói chuyện, và cô ấy sẽ nói cho bạn cô ấy không thích người quản lý của mình đến mức nào và muốn anh ta tự đi mà lấy trà. Điều đó chứng tỏ cô ấy chỉ giả vờ thích những trò đùa của anh ta và làm những gì anh ấy muốn vì cô ấy muốn được anh ta sủng ái. Đây có phải là gian dối? Dĩ nhiên là không. Đây là cách cư xử hoàn toàn phổ biến ở các nền văn hóa trên thế giới.
Người nước ngoài nên làm gì để “đối phó” với Honne và Tatemae?
Hầu hết các nền văn hóa trên thế giới đều thừa nhận rằng việc đưa ra một ý kiến không được chuẩn bị trước hoặc nêu ra một sự thật một cách quá thẳng thắn có thể gây ra không chỉ đau khổ cho các cá nhân mà còn gây ra bất hòa trong xã hội.
Đôi khi, chúng ta nói dối không phải để làm tổn thương cảm xúc của người khác hoặc tạo ra sự khó xử, mà là để tránh xảy ra điều đó.
Ở một đất nước đông dân cư, quan tâm đến sự hòa hợp xã hội và gắn kết nhóm như Nhật Bản, cuộc sống mà không có Tatemae như vậy thực sự sẽ rất khó khăn. Đúng với phong cách Nhật Bản, sự phân đôi giữa Honne và Tatemae này đã trở thành hành vi được lưu giữ trong văn hóa.
Honne và Tatemae chen lấn vào nhau trong mỗi cuộc trò chuyện ở Nhật Bản, mỗi người tham gia đánh giá những gì cần phải nói, và như thế nào, đồng thời cân nhắc nội tâm những gì có thể được nói và những gì không được nói. Đó là nước cờ tinh thần phức tạp mà nhiều tương tác xã hội / công việc của người Nhật đòi hỏi.
Đối với những người nước ngoài đang gặp khó khăn với ngay cả những điều cơ bản của ngôn ngữ Nhật Bản, hoặc với các quy ước xã hội phức tạp của quốc gia này, việc cố gắng tìm ra khi nào một lời mời, một lời khen hoặc câu hỏi là Honne hay Tatemae có thể khiến bạn nản lòng, thậm chí là quá sức. Một số người nước ngoài nghi ngờ rằng người Nhật ẩn sau Tatemae vì nó “tiện” hơn là cách cư xử đơn giản, và một số thậm chí đã nổi giận với những gì họ cho là "không trung thực" của người Nhật.
Đúng vậy, một số người Nhật nhận thấy rằng khái niệm Honne và Tatemae cách thuận tiện để trốn tránh trách nhiệm, đánh lừa và để đạt được lợi thế trong một cuộc trò chuyện. Văn hóa Nhật Bản là một nền văn hóa “giàu ngữ cảnh”, thể hiện rõ ràng trong chính ngôn ngữ, vậy nên, việc sử dụng rộng rãi những "lời nói dối” này có khả năng tạo ra sự hiểu lầm khi người Nhật sử dụng chúng và người nước ngoài thường cảm thấy rằng rất khó để hiểu tiếng Nhật của họ. Người nước ngoài ở Nhật thường cảm thấy khó xác định liệu người Nhật có tử tế hay chỉ đơn giản là đang “nói dối”.
Sự bối rối là điều hoàn toàn hiển nhiên. Lời mời mà bất kỳ người Nhật nào cũng hiểu chỉ là hình thức, không bao giờ là thật, nhưng người nước ngoài lại tưởng là thật. Khen ngợi có thể là một cách để thể hiện thiện ý, nhưng chúng cũng có thể là một cách để thao túng ai đó để nhận được sự ủng hộ. Nhưng ai, trong bất kỳ nền văn hóa nào, chắc chắn cũng thỉnh thoảng làm những điều tương tự.
Vì vậy, trong một số trường hợp, Tatemae là một cách duy trì sự khiêm tốn mà người Nhật đánh giá cao. Ở những nơi khác, nó có thể là một cách để duy trì vị thế, một cách xoa dịu một tình huống khó xử hoặc thậm chí là tâng bốc một khách hàng quan trọng. Cách mà Tatemae và Honne “đối đầu” với nhau hầu như không có giới hạn - đặc biệt là ở Nhật Bản.
Hơn nữa, người Nhật nổi tiếng có tư tưởng tập thể và không ai muốn nổi bật giữa đám đông. Điều này rất phức tạp đối với nhiều người nước ngoài, đặc biệt là vì nhiều người nước ngoài muốn trở nên độc nhất, vượt lên trên đám đông. Đây không phải là một thái độ điển hình của người Nhật, và để phù hợp, người Nhật chỉ nói những gì cần thiết để là một phần của nhóm, nhưng đồng thời có thể trong lòng, họ tin hoặc biết rằng bản thân họ đang nghĩ hoàn toàn ngược lại.
Đây có thể là một vấn đề không chỉ về cách cư xử, mà còn là vấn đề tồn tại trong một nền văn hóa coi trọng sự gắn kết tập thể. Dù thật khó chịu khi cố gắng giải mã chính xác những gì mà người Nhật nghĩ hoặc cảm thấy, có những lý do tại sao Honne và Tatemae tồn tại. Việc này đối với người nước ngoài ở Nhật, thành thật mà nói, có thể sẽ phải mất cả đời để hiểu được.
Dưới đây là một mẹo nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi về tất cả những điều này: Đừng xem mọi việc một cách chủ quan mà hãy hiểu cho đồng nghiệp / bạn bè của bạn hơn. Xây dựng các mối quan hệ cá nhân bên ngoài văn phòng / trường học sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn. Có những cách giúp bạn có thể nghe những gì mọi người thực sự nghĩ và nhìn thấy tính cách thực sự của họ. Nếu bạn thích uống rượu, đừng bỏ lỡ cơ hội đến Izakaya (quán nhậu Nhật Bản) cùng đồng nghiệp / bạn bè trong một nhóm nhỏ. Nếu bạn không uống rượu, bạn có thể tham gia một số loại sự kiện. Khi đó, rất có thể bạn sẽ ngạc nhiên về cách họ cởi mở hơn so với khi họ cư xử trước đám đông đấy!
Chia sẻ: Sơn Thạch - WeXpats Team