Mỗi một quốc gia sẽ có nền văn hóa truyền thống riêng biệt và khi sinh sống, làm việc hay học tập tại Nhật, có những điều kiêng kỵ ở Nhật Bản mà bạn nên tránh.
Khi học tập, sinh sống và làm việc tại Nhật Bản thì việc tập làm quen và hòa nhịp theo lối sống của người Nhật là điều cần thiết. Trong việc tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Nhật thì lối sống và những điều kiêng kỵ ở Nhật Bản là điều mà các bạn cần phải nắm rõ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, các bạn hãy cùng tìm hiểu qua thông tin sau.
Mục lục
- Những điều cấm kỵ trong ăn uống ở Nhật Bản
- Kiêng kỵ trong giao tiếp
- Điều không nên làm ở nơi công cộng
- Văn hóa tặng quà và những điều cấm kỵ của người Nhật Bản
Những điều cấm kỵ trong ăn uống ở Nhật Bản
Sử dụng đũa: không được dùng đũa gõ vào bát, không được dùng đũa chuyền thức ăn cho nhau, không được cắm đũa lên bát cơm
Trong việc ăn uống của người Nhật có những điều kiêng kỵ khi sử dụng đũa mà mọi người cần phải nắm rõ để tránh sự khó chịu của người Nhật cũng như tôn trọng lối sống của họ. Trong đó việc dùng đũa cần phải lưu ý không được dùng đũa hoặc thìa gõ vào bát. Bởi điều này là tối kỵ vì khi gõ vào bát sẽ tạo nên âm thanh dẫn dụ ma quỷ đến. Điều này khá giống với quan niệm dân gian của người Việt.
Trong một bữa ăn với người Nhật thì bạn cần chú ý tuyệt đối không được phép dùng đũa để chuyền thức ăn cho người khác. Bởi hành động này được thực hiện trong tang lễ và người Nhật dùng đũa để chuyền hài cốt người quá cố cho vào hũ cốt. Do vậy hành động này được xem là điềm xấu và không được phép thực hiện trong bữa ăn.
Dựng đứng đũa trong bát cơm hay cắm đũa lên bát cơm là một hành động tối kỵ với người Nhật. Đây cũng là văn hóa tâm linh của người châu Á bởi điều này thường chỉ thực hiện trong đám tang và hành động cắm đũa lên bát cơm thường được dâng lên bàn thờ, trong các buổi lễ cúng.
Vừa ăn vừa đi
Nếu như việc vừa ăn chiếc bánh mì vừa đi trên đường phố hay di chuyển ở nơi công cộng là một hình ảnh bình thường ở các quốc gia khác thì nó lại là điều cấm kỵ ở Nhật. Dù cuộc sống bận rộn nhưng người Nhật không bao giờ thực hiện hành động này. Bởi họ cho rằng việc vừa ăn vừa đi, di chuyển tại nơi công cộng sẽ làm ảnh hưởng đến người khác. Nhất là khi đi trên tàu điện, mùi thức ăn sẽ gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
Bài viết được tuyển chọn
Kiêng kỵ trong giao tiếp
Khi đang nói chuyện với người khác không được rung đùi
Trong văn hóa giao tiếp của người Nhật thì khi ngồi mọi người cần phải tránh tuyệt đối việc rung đùi. Đây là một hành động xấu và nhất là khi ăn uống hoặc giao tiếp với người Nhật. Bởi hành động này sẽ khiến người khác cảm thấy khó chịu, không tôn trọng người đối diện cũng như khiến họ không thể tập trung vào câu chuyện. Vì vậy bạn cần phải tránh tuyệt đối làm điều này khi ở Nhật.
Không được dùng ngón tay chỉ vào người khác
Đối với nhiều người khi giao tiếp với người Nhật thường dùng một ngón tay để chỉ vào người khác. Đây được xem là hành động thô lỗ trong văn hóa giao tiếp của người Nhật và nếu bạn chỉ tay vào người khác được xem là thiếu sự tôn trọng, không lịch sự dù cho đó là chỉ đường, hướng đi. Thay vào đó bạn nếu cần chỉ vào một ai đó hoặc chỉ hướng đi thì phải sử dụng cả bàn tay và nên chú ý vào thái độ chân thành.
Tuyệt đối cần tránh hỏi tuổi người đối diện khi đang nói chuyện với mình
Việc hỏi tuổi một người mới quen để tiện trong việc xưng hô tưởng chừng như là một điều quá đỗi bình thường thì ở Nhật lại là điều kiêng kỵ. Trong văn hóa giao tiếp của người Nhật bạn không được phép hỏi tuổi và nhất là đối với người lạ, người mới lần đầu tiên gặp. Việc hỏi tuổi được xem là điều không tôn trọng đối phương.
Không hỏi lương bổng của người khác
Người Việt thường sẽ có thói quen hỏi lương bổng của người khác và đó như là một câu chuyện bắt đầu với đồng nghiệp, người thân hay người quen. Thế nhưng ở Nhật thì đây lại là một điều tối kỵ mà không được phép nhắc đến. Đối với người Nhật thì những việc riêng tư của người khác sẽ không được hỏi đến và ngay cả tiền lương cũng vậy. Nên khi làm trong một công ty Nhật hay có bạn là người Nhật thì bạn cũng không nên hỏi về vấn đề tiền lương của họ.
Không hỏi cân nặng hay bình phẩm về thể hình của những người đang nói chuyện với mình
Người Nhật Bản luôn tự tin với vóc dáng của mình nhưng không đồng nghĩa với việc bạn được phép hỏi họ về cân nặng hay bình phẩm về thể hình của họ khi giao tiếp. Đây là một điều tối kỵ và sẽ là rất bất lịch sự, thô lỗ nếu như bạn hỏi người Nhật về cân nặng của họ hay nói về vóc dáng, thể hình của họ dù cho họ sở hữu một thể hình cân đối hay đẹp đi chăng nữa.
Tránh việc liếc ngang, liếc dọc khi đang nói chuyện với mọi người
Nếu bạn đã tìm hiểu về văn hóa giao tiếp của người Nhật thì hiển nhiên sẽ biết khi giao tiếp người Nhật sẽ không nhìn trực tiếp vào ánh mắt của người đối diện. Họ sẽ chọn một điểm nhìn là cà vạt, đồ nữ trang hoặc cúi đầu thấp hơn, nhìn sang bên để không đối diện trực tiếp ánh mắt bởi đó là hành động không được lịch sự.
Thế nhưng khi đang nói chuyện với người Nhật thì bạn cũng không được phép nhìn ngang liếc dọc. Bởi điều này cho thấy bạn không tôn trọng người đối diện cũng như không lịch thiệp. Khi giao tiếp bạn nên tập trung vào câu chuyện và giữ ánh mắt, đầu cố định ở một vị trí.
Khi nói chuyện tránh tình trạng khoanh tay trước ngực hay đút hai tay vào túi quần, áo
Trong việc giao tiếp với người Nhật thì ngôn ngữ cơ thể được họ rất chú trọng. Vì thế ngoài những cử chỉ thì bạn cũng cần chú ý tuyệt đối không khoanh tay trước ngực khi nói chuyện với người đối diện. Bởi trong giao tiếp của người Nhật thì điều này thể hiện sự không đồng tình và không muốn tiếp tục câu chuyện với họ.
Bên cạnh đó một hành động tối kỵ mà bạn không được phép thực hiện khi giao tiếp với người Nhật chính là việc cho tay vào túi áo hoặc túi quần. Tưởng chừng một hành động đơn giản nhưng lại là một quy tắc bất thành văn của người Nhật. Việc cho tay vào túi khi nói chuyện thể hiện thái độ không xem trọng người đối diện, trịch thượng và bề trên.
Điều không nên làm ở nơi công cộng
Không chen lấn, xô đẩy, chen ngang, trộm cắp
Trong văn hóa của người Nhật thì việc xếp hạng đã được hình thành từ rất lâu và dù cho có chờ đợi lâu đi chăng nữa hay có việc gấp thì họ vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt. Do vậy tại những nơi công cộng bạn cũng cần phải tuân theo nguyên tắc này và phải xếp hàng chờ đợi nếu như tại nơi đó quy định. Một số nơi như tàu điện thì khi lên tàu bạn cũng phải xếp hàng chờ lên chứ không phải đứng chen chúc trước cửa tàu.
Tại Nhật Bản trộm cắp là tội rất nặng và sẽ bị phạt tù nếu vi phạm. Đã xảy ra nhiều vấn nạn người Việt trộm cắp tại Nhật Bản và đó là một hành động xấu hổ. Rất nhiều bảng cảnh báo trộm cắp được ghi bằng tiếng Việt tại Nhật. Nếu vi phạm người trộm cắp sẽ bị phạt từ dưới 10 năm. Khi bị phát hiện người dân sẽ báo cho cảnh sát địa phương và người trộm cắp sẽ gặp phải vấn đề rắc rối lớn.
Không vứt rác bừa bãi
Người Nhật luôn có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường. Chính vì vậy mà đường phố của họ luôn sạch đẹp và bạn sẽ khó tìm thấy bất kỳ tình trạng xả rác bừa bãi nào. Mặc dù trên đường phố Nhật sẽ có rất ít thùng rác công cộng. Thế nhưng việc giữ gìn vệ sinh của mọi người rất tốt. Việc xả rác tại Nhật Bản sẽ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt từ từ 9 tháng đến 12 tháng sau khi bị cảnh cáo. Do vậy bạn cần chú ý đến vấn đề này để tránh bị vi phạm.
Khi chụp ảnh
Chụp ảnh tại nơi công cộng là một vấn đề tế nhị tại Nhật Bản và điều này được xem là xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Sẽ không ai thích thú việc họ bị một người xa lạ chụp ảnh lại và đăng lên các trang mạng xã hội. Do vậy nếu bạn muốn chụp ảnh tại Nhật thì chỉ nên chụp ảnh bản thân mình hoặc những phong cảnh chứ không nên chụp hình người khác tại nơi công cộng.
Trả giá khi mua sắm
Tại thị trường ở Nhật Bản mọi thứ đều đã được quy định giá bán sẵn và người Nhật không bao giờ có thói quen mặc cả khi mua sắm. Khi bạn sinh sống, làm việc hay du lịch đến Nhật Bản thì những mặt hàng được niêm yết giá đều là mức giá bán cuối cùng và tuyệt đối không được trả giá, mặc cả. Đó được xem là hành động không tôn trọng người bán cũng như không tin tưởng về sản phẩm của họ, gây khó chịu cho người bán hàng.
Văn hóa tặng quà và những điều cấm kỵ của người Nhật Bản
Không nên tặng quà riêng cho một ai đó khi có mặt của người khác
Người Nhật rất thích tặng quà và đây là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống của họ. Có rất nhiều dịp lễ trong năm được người Nhật dựa vào để tặng quà cho nhau. Vậy nên bất kỳ ai cũng thích tặng quà nên nếu bạn muốn dành món quà cho một ai đó tại Nhật thì không nên tặng trước mặt người khác.
Người Nhật kiêng việc mở quà ngay trước mặt người tặng
Khi nhận được món quà từ người khác thì người Nhật sẽ không bao giờ mở quà trước mặt người tặng. Dù bạn muốn nhìn thấy cảm xúc của người được tặng quà nhưng điều này không được phép ở Nhật Bản. Bởi hành động này thiếu tế nhị, không được lịch sự và gây bối rối cho cả hai. Vậy nên khi tặng quà và được tặng quà ở Nhật thì bạn cũng không nên mở ra ngay trước mặt mọi người.
Không nên tặng quà có số lượng 4 hoặc 9 bởi nó nói đến điều không may
Trong quan niệm dân gian của người Nhật thì họ sẽ có những quy định riêng biệt. Theo đó nếu bạn tặng quà cho người Nhật thì tuyệt đối nên tránh 2 con số là số 4 và số 9. Bởi 2 con số này đồng âm với chữ tử và đau khổ. Vậy nên khi tặng quà cho người Nhật bạn cần phải lưu ý đến điều này.
Cấm kỵ việc tặng dao, kéo, món quà có in hình con cáo, biếu trà, hoa cúc hay đồ vật làm bằng thủy tinh, sành sứ
Những đồ vật sắc nhọn như dao, kéo là những vật không được phép dùng làm quà tặng cho người Nhật. Bởi những đồ vật này không chỉ tượng trưng cho tính sát khí mà còn là sự chia cắt mối quan hệ. Bạn cũng cần lưu ý tránh tặng quà có hình con cáo bởi đây là biểu tượng của sự tham lam, gian xảo. Ngoài ra bạn cũng cần tránh việc tặng hoa cúc cho người Nhật hay hoa trà bởi đây là hoa có màu tối và chỉ dùng cho tang lễ.
Tránh việc tặng khăn mùi xoa, giày dép, bít tất, quần áo lót cho mọi người
Trong văn hóa của người Nhật thì việc tặng khăn mùi xoa như hành động muốn cắt dứt mối quan hệ với người khác. Vậy nên bạn tuyệt đối không nên tặng món quà này cho người Nhật. Các món quà như giày dép, bít tất, quần áo lót cũng không được phép tặng cho người Nhật. Bởi đây là những đồ thường bị dẫm lên nên sử dụng làm quà sẽ bị xem là thiếu tôn trọng.
Trong đời sống văn hóa của mỗi quốc gia sẽ có những điều kiêng kỵ riêng biệt theo quan niệm dân gian hay hình thành từ lối sống. Tại Nhật Bản điều này cũng tương tự như vậy và việc tìm hiểu về những điều kiêng kỵ trước khi đến Nhật Bản là điều cần thiết để tránh mắc sai lầm cũng như không khiến cho người dân bản xứ khó chịu với bạn.