OSECHI RYORI - MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG TRONG NGÀY TẾT NHẬT BẢN

WeXpats
2023/12/08

Từ ngày xưa, Osechi ryori là một món ăn truyền thống trong văn hóa Nhật Bản, được dùng để dâng lên cho các vị thần trong ngày lễ Tết. Chính vì vậy, Osechi ryori luôn được sử dụng những nguyên liệu đã qua tuyển chọn kỹ lưỡng và chứa đựng những điều cầu nguyện về sức khỏe dồi dào, con cháu sum vầy, mùa màng bội thu… 

Trong bài viết này, WeXpats sẽ giới thiệu đến các bạn về nguồn gốc và ý nghĩa của món ăn truyền thống Osechi ryori và nếu có thể các bạn hãy cùng thử sức với Osechi ryori trong đợt Tết này nhé!

  1. Osechi ryori: Nguồn gốc và ý nghĩa
  2. Osechi và ý nghĩa hộp đựng
  3. Osechi ryori bao gồm 5 món chính
  4. Ý nghĩa ẩn chứa trong các món ăn của Osechi 
  5. Các nguyên liệu không phù hợp làm Osechi
  6. Osechi có thể mua được ở đâu
  7. Tổng kết

Osechi ryori: Nguồn gốc và ý nghĩa 

Osechi Ryori

Osechi là món ăn truyền thống được tạo ra trong thời Heian từ 1000 năm về trước. Sau đây, WeXpats sẽ giải thích chi tiết về món ăn truyền thống ngày Tết "Osechi" của đất nước mặt trời mọc.

Ý nghĩa của Osechi

Osechi ban đầu được viết bằng chữ Kanji trong tiếng Nhật là「御節 - Osechi」. Vào thời xưa, "osechi" được làm như món ăn dâng lên thần linh vào các ngày đặc biệt trong mỗi mùa mà không chỉ vào ngày Tết. Việc sử dụng dao vào những ngày đặc biệt được xem là không may mắn vì nó được quan niệm "cắt đứt duyên số". Vì vậy, osechi được tạo ra để không cần phải nấu ăn vào những ngày đặc biệt. Tất cả nguyên liệu và hộp đựng của osechi mang ý nghĩa hy vọng cho một mùa màng bội thu, sức khỏe, hạnh phúc, sự thịnh vượng của con cháu. Được dâng lên như lời cầu nguyện cho một khởi đầu mới trong năm và osechi được ăn vào ngày đầu tiên của năm mới.

Nguồn gốc của Osechi

Trong thời kỳ Heian, những nghi lễ được tổ chức vào các mùa trong năm gọi là「五節句 - Gosekku」, bao gồm cả Tết. Lễ hội「五節会 - Gosechie」sẽ được tổ chức vào các dịp "Gosekku". Tuy nhiên, số lượng lễ hội "Gosechie" tổ chức vào các dịp "Gosekku" đã giảm dần theo thời gian và ngày nay chỉ còn được tổ chức vào dịp Tết. "Osechi" là món ăn được chuẩn bị như một lễ vật dành cho các vị thần vào các ngày quan trọng của "Gosekku" và nó đã trở nên phổ biến từ thời Edo trở đi. Món ăn được phục vụ trong các sự kiện quan trọng của "Gosekku" được gọi là「御節供 - Osechiku」 và đã dẫn đến tên gọi "Osechi" ngày nay.

Osechi và ý nghĩa hộp đựng

Osechi Ryori

Người ta cho rằng việc đóng gói Osechi vào hộp Jubako đã bắt đầu từ cuối thời Edo đến thời Meiji. Osechi được làm vào cuối năm và được giữ trong tình trạng tốt nhất để có thể dâng lên các vị thần vào ngày Tết. Hộp Jubako dùng để đựng Osechi gồm 5 tầng, mỗi tầng đều có ý nghĩa riêng. Sau đây, WeXpats sẽ giải thích về ý nghĩa của hộp Jubako, vì vậy hãy vận dụng những kiến thức này khi làm Osechi nhé!

Tầng thứ nhất(Ichi no Ju)

Tầng trên cùng của hộp đứng sẽ được gọi là tầng thứ nhất. Bởi vì bắt đầu mở hộp nên tầng thứ nhất sẽ có những nguyên liệu phù hợp để ăn nhẹ và được gọi là “món khai vị để chúc mừng”. Tùy theo từng khu vực mà sẽ có những nguyên liệu khác nhau được chuẩn bị nhưng thường sẽ có các món cơ bản như trứng cá trích「数の子‐kazunoko」, đậu đen ninh ngọt「黒豆‐kuromame」, cá mòi khô「田作り‐tazukuri」, rễ cây ngưu bàng ninh ngọt「たたきごぼう‐tatakigobo」. Ở tầng thứ nhất sẽ mang theo ý nghĩa về trường sinh bất lão, gia đình êm ấm, con đàn cháu đống.

Tầng thứ hai(Ni no Ju)

Từ trên xuống dưới ở ngăn thứ hai sẽ được gọi là tầng thứ hai. Ở tầng này sẽ bao gồm các món ăn nhẹ như đồ chua và các món ăn nhẹ để nghỉ đũa trước khi vào món chính. Tầng hai mang theo ý nghĩa cầu mong cho danh lợi, học hành, tài sản. 

Các món ăn chua được ướp bằng giấm nên dễ bảo quản và thích hợp để ăn trong nhiều ngày. Các món đồ chua hay được dùng là cà rốt và củ cải ngâm dấm「紅白なます‐kohakunamasu」, cây sen「れんこん‐renkon」. Những món ăn nhẹ sẽ hay là hạt dẻ và khoai nghiền「栗きんとん‐kurikinton」, tảo cuộn「昆布巻き‐kobumaki」, trứng cuộn「伊達巻‐datemaki」, chả cá「かまぼこ‐kamaboko」. Giống như các món ăn chua, các món ăn nhẹ cũng được làm ngọt để dễ bảo quản hơn.

Tầng thứ ba(San no Ju)

Tầng thứ ba là tầng giữa của hộp cũng là nơi đựng các món chính - các món ăn sang trọng mang theo những điềm tốt lành. Các nguyên liệu chính thường được làm từ hải sản như là cá tráp「鯛‐tai」, tôm「海老‐ebi」, bào ngư「鮑‐awabi」, sò「トコブシ‐tokobushi), ngao「ハマグリ‐hamaguri」, cá cam「鰤‐buri」. Tầng thứ ba mang theo ý nghĩa về sự thăng tiến, trường sinh bất lão, gia đình hạnh phúc. Chính vì vậy tầng thứ ba luôn được xếp thật đẹp mắt và không có khoảng trống ở giữa. 

Tầng thứ tư(Yo no Ju)

“Yonoju” là tầng thứ tư từ trên xuống của hộp Jubako. Trong tiếng nhật số 4 sẽ được viết là 四 và thường có cách đọc là “shi”, nhưng do có phát âm gần giống chữ tử trong tiếng Nhật, cho nên để kiêng kị những điều không hay trong năm mới, người ta đã sử dụng chữ Hán khác là “与”. Tầng thứ bốn sẽ có các món ninh như là củ sen「れんこん‐renkon」, khoai môn「里芋‐satoimo」, khoai mỡ「やつがらし‐yatsugarashi」, măng「たけのこ‐takenoko」, củ nhược「こんにゃく‐konnyaku」.Ngoài ra, các món ăn trong tầng thứ tư thường được nấu trong một nồi nhằm thể hiện sự gắn kết gia đình, sự hòa thuận, sức khỏe và sự thịnh vượng.

Tầng thứ năm(Go no Ju)

Tầng thứ năm chính là tầng cuối cùng của hộp. Mang theo cho sự may mắn và phát triển tiếp theo, và được gọi là “hộp dự trữ” vì nó được để trống. Từ ngày xưa, có quan niệm rằng những con số lẻ là những con số may mắn nên các hộp osechi sẽ có 3 hoặc 5 tầng. Ngày nay khi mà các loại hộp đựng ngày càng phong phú thì các gia đình thường không quan tâm mấy vào số lượng các tầng. Tuy nhiên, theo hướng truyền thống thì 5 tầng vẫn là một sự lựa chọn tốt.

Osechi ryori bao gồm 5 món chính

Trong Osechi ryori thường có 5 món chính theo 5 cách nấu như dưới đây.

  1.  祝い肴-iwai-zakana: "món ăn trong dịp lễ" là một món ăn được chuẩn bị như một phần của lễ kỷ niệm hoặc tiệc tùng. 
  2. 口取り-kuchi-tori: Đây là một loại khai vị trong ẩm thực truyền thống Nhật Bản, thường bao gồm một loạt các món nhỏ. 
  3. 焼き物-yakimono: Chỉ các món ăn được nướng, có thể là cá, thịt, hoặc rau củ. 
  4. 酢の物-sunomono: Là các "món ăn chua" có sử dụng giấm, thường là salad hoặc món ăn nhẹ. 
  5. 煮物-nimono: "Món hầm" là loại món ăn được hầm hoặc nấu chậm, thường có sự kết hợp của rau, cá, thịt, hoặc đậu phụ. 

Ý nghĩa ẩn chứa trong các món ăn của Osechi 

Osechi Ryori

Các nguyên liệu để làm Osechi thường mang theo cả sự cầu nguyện về sức khỏe, thịnh vượng và mùa màng bội thu. Tiếp theo đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ý nghĩa của các món ăn hay có trong Osechi

Trứng cá trích「数の子‐Kazunoko」

Osechi Ryori

Trứng cá trích trong tiếng Nhật được gọi「ニシンの卵l-nishin no tamago」. Cá trích là loài cá có nhiều trứng, vì vậy, nó được đặt trong Osechi với ước nguyện con đàn cháu đống. Ngoài ra, loại cá này còn được gọi là「春告魚-Harutsugeuo」, một loài cá may mắn đại diện cho mùa xuân. "Nishin" cũng có nghĩa là "cha mẹ", và cũng mang ý nghĩa cầu chúc sự sống lâu.

Đậu đen ninh ngọt「黒豆‐Kuromame」

Osechi Ryori

Đậu đen mang ý nghĩa “làm việc chăm chỉ, sống một cuộc sống chăm chỉ”, với mong muốn hăng say làm việc và chăm chỉ học tập. Ngoài ra, từ mong muốn “sống lâu cho đến khi có nếp nhăn”, có những khu vực nấu đậu đen cho đến khi nó trở nên nhăn nheo. Màu đen từ xưa đã được xem là màu loại bỏ điều xấu xa, và ước mong không bệnh tật, không tai ương.

Cá mòi khô「田作り‐Tazukuri」

Osechi Ryori

Tazukuri là món ăn được chế biến bằng cách nướng cá lên và cho thêm gia vị mặn ngọt. Vì sử dụng cá con nên món ăn cũng mang theo ý nghĩa mong ước con đàn cháu đống, khởi đồng của những điều tốt đẹp.

Rễ cây ngưu bàng ninh ngọt「たたきごぼう‐Tatakigobou」

Osechi Ryori

Rễ cây ngưu bàng ninh ngọt là một món ăn có ý nghĩa "mở ra may mắn" thông qua cách đập và mở củ cây ra. Rễ cây ngưu bàng có rễ sâu, vì vậy, nó còn thể hiện mong muốn gia đình và doanh nghiệp sẽ gắn kết và thịnh vượng qua các thế hệ. Ngoài ra, từ hình dạng mỏng dài của nó, cũng thể hiện ước nguyện hạnh phúc lâu dài và trường thọ. Rễ cây ngưu bàng được sử dụng trong các món ăn mừng lễ và không thể thiếu trong món ăn mừng năm mới.

Tảo bẹ cuộn「昆布巻き‐Konbumaki」

Osechi Ryori

Rong biển trong tiếng Nhật được đọc là「昆布 - konbu」, có nét tương đồng với những từ như「喜ぶ - yorokobu」や「養老昆布 - yoro konbu」「子生 - kobu」tương đương nghĩa "vui mừng", "trường thọ", "con cháu" với mong muốn sống lâu và con cháu đông đủ. Vì vậy, nó được xem là nguyên liệu may mắn. Ngoài ra, hình dạng của rong biển phát triển dưới đáy biển cũng mang ý nghĩa rằng niềm vui và hạnh phúc sẽ lan rộng. Đặc biệt, "cuộn" có nghĩa là buộc, biểu thị mong muốn tạo ra mối lương duyên tốt.

Khoai tây nghiền「栗きんとん‐Kurikinton」

Osechi Ryori

Là một món ăn ngon ngọt và dẻo trong mâm cỗ Tết của Nhật Bản, rất được ưa chuộng bởi trẻ em. Món ăn này được làm sao cho có màu vàng rực rỡ, tượng trưng cho tiền xu và vàng, mang ý nghĩa cầu may mắn về tài lộc. Trong xã hội samurai, món này còn được gọi là "Kachi Kuri", một biểu tượng cho chiến thắng trong chiến tranh.

Trứng cuộn「伊達巻‐Datemaki」

Osechi Ryori

Trứng cuộn là một món ăn đặc trưng của tỉnh Nagasaki. Món này được làm bằng cách trộn bột cá nghiền mịn vào trứng đánh, sau đó thêm đường để tạo vị ngọt và nướng lên. Tên gọi trong tiếng nhật là "Datemaki" xuất phát từ việc món ăn này có vẻ ngoài thời trang, tương tự như họa tiết trên kimono của giới trẻ, và do đó được đặt tên theo cách gọi những thứ thời thượng là 「伊達もの‐Datemono」 (đồ đẹp, đồ thời trang). Hơn nữa, hình dạng cuốn xoắn gợi nhớ đến sách và cuộn tranh, biểu trưng cho mong ước thành công trong học tập.

Chả cá「かまぼこ‐Kamaboko」

Osechi Ryori

Một loại thực phẩm được làm từ bột cá nghiền, và nó đã trở thành một nguyên liệu quý giá thay thế cho cá tươi không thể bảo quản lâu. Có vẻ ngoài đẹp mắt, là một nguyên liệu không thể thiếu để làm cho mâm cỗ Tết trở nên lộng lẫy và ấn tượng. Kamaboko có màu đỏ và trắng, với hình dạng tròn, tượng trưng cho mặt trời mọc vào ngày đầu năm mới, mang ý nghĩa của niềm vui, may mắn và bảo vệ khỏi tà ma.

Trứng nishiki「錦卵‐Nishikitamago」

Osechi Ryori

Món ăn với họa tiết kiểu bàn cờ màu vàng và trắng, rất đẹp mắt và lộng lẫy. Lòng đỏ tượng trưng cho màu vàng, biểu tượng của vàng, còn lòng trắng tượng trưng cho màu bạc, biểu tượng của bạc và là mang ý nghĩa cầu mong sự giàu có. Để chế biến trứng nishiki thì trứng sẽ được luộc chín, sau đó tách riêng lòng đỏ và lòng trắng rồi nghiền mịn và hấp cách thủy.

Cà rốt và củ cải ngâm dấm「紅白なます‐Kohakunamasu」

Osechi Ryori

Cà rốt và củ cải ngâm dấm là một món ăn được làm từ củ cải trắng và cà rốt trộn với giấm và đường. Ban đầu, từ 「なます‐namasu」chỉ thịt sống, ghép từ 「生‐nama」 (sống) và 「肉‐shishi」 (thịt). Sau này, món ăn trở nên phổ biến với cách chế biến cắt nhỏ rau củ và trộn lẫn, sử dụng giấm để tạo hương vị. Món ăn với sự kết hợp màu đỏ của cà rốt và trắng của củ cải, làm cho mâm cỗ Tết trở nên rực rỡ hơn, bên cạnh đó còn mang theo cả ý nghĩa cầu mong hòa bình.

Củ sen「れんこん‐Renkon」

Osechi Ryori

Củ sen có nhiều lỗ trống, điều này mang ý nghĩa có thể nhìn thấy tương lai rõ ràng và sáng sủa. Ngoài ra, do số lượng hạt của củ sen rất nhiều, nó cũng được coi là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở, mang ý nghĩa cầu nguyện cho sự phát triển của con cháu. Hơn nữa, hoa sen - là hoa của củ sen - được coi là loài hoa thiêng liêng trong Phật giáo, vì vậy củ sen cũng được coi là thực phẩm phù hợp để cúng dâng cho các vị thần.

Cá cam「鰤‐Buri」

Osechi Ryori

Cá cam phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau, với các tên gọi khác nhau tương ứng với mỗi giai đoạn như Mojako, Wakashi, Inada, Hamachi và cuối cùng là Buri. Do đó, quá trình phát triển của cá cam thường được so sánh với sự trưởng thành và thay đổi của con người, do đó, cá cam mang ý nghĩa cầu chúc sự thành công và thăng tiến trong xã hội.

Cá tráp「鯛‐Tai」

Osechi Ryori

Cá tráp được coi là loài cá mang lại may mắn, bởi từ 「めでたい‐medetai」 trong tiếng Nhật gợi lên sự may mắn và vui vẻ. Ngày nay, cá tai vẫn là một món ăn truyền thống phổ biến trong các dịp lễ như Osechi, hoặc trong lễ hỏi cưới … Cá tai được biết đến với tuổi thọ dài hơn các loài cá khác, do đó còn mang ý nghĩa cầu chúc sự trường thọ.

Tôm「海老‐Ebi」

Osechi Ryori

Tôm, với đuôi cong uốn lượn, được coi là biểu tượng của sự sống thọ, với mong ước sống lâu đến khi lưng còng. Ngoài ra, do đôi mắt nổi trội, tôm còn được liên kết với từ chơi chữ 「

目立たし‐medetashi」 (điềm lành), và vẫn là nguyên liệu may mắn thường xuất hiện trong các bữa tiệc kỷ niệm. Trong mâm cỗ Tết Nhật Bản (Osechi), người ta thường sử dụng các loại tôm như tôm càng hoặc tôm hùm Ise. Đặc biệt, tôm hùm Ise nướng thường là món chính trong tầng ba của mâm cỗ Tết.

Bào ngư「鮑‐Awabi」

Bào ngư từ lâu đã được coi là một trong những hải sản quý hiếm, thích hợp để dâng cúng. Ngày nay, bào ngư vẫn được coi là thực phẩm cao cấp, phổ biến trong các bữa ăn. Bào ngư có thể sống tới khoảng 20 năm, do đó chúng còn tượng trưng cho mong ước sự trường thọ và không già.

Bạch tuộc「たこ‐Tako」

Osechi Ryori

Bạch tuộc trong mâm cỗ osechi thường được ướp giấm, do đó được gọi là 「酢だこ‐sudako」 (bạch tuộc giấm). Khi luộc, bạch tuộc có màu đỏ và trắng, tạo nên một nguyên liệu đẹp mắt cho hộp osechi. Bạch tuộc còn được liên kết với từ chơi chữ "「多幸‐tako」, có nghĩa là nhiều hạnh phúc, do đó mang ý nghĩa cầu chúc sự hạnh phúc.

Ngao「ハマグリ‐Hamaguri」

Osechi Ryori

Bởi vì khi hai nửa vỏ hàm ngao ôm nhau chặt lại mà không để khoảng cách, nó đã trở thành một biểu tượng cho sự thịnh vượng trong hôn nhân. Ngoài việc biểu tượng cho hạnh phúc gia đình, Món ngao còn mang ý nghĩa của sự hòa hợp trong cuộc sống và mối quan hệ tốt lành.

 

Khoai môn「里芋‐Satoimo」

Osechi Ryori

Khoai môn thường được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Nhật Bản, đặc biệt là trong các món hầm. Khi đào lên từ đất, thường có nhiều củ nối liền với nhau, từ đó nó mang ý nghĩa của sự phát triển thế hệ. Hình dáng tròn trịa của khoai môn cũng thể hiện sự hòa hợp trong gia đình.Chính vì vậy, nó thường được sử dụng trong mâm cỗ truyền thống dịp Tết để cầu mong hạnh phúc và hòa thuận trong gia đình.

Khoai mỡ「やつがしら‐Yatsugashira」

Osechi Ryori

Trong chữ Hán, nó được viết là "八つ頭." Chữ "八"(Ya) thường được xem là một con số mang lại may mắn, bởi vì nó có hình dáng mở rộng. Cụm từ "八つ頭"(Yatsugarashi) được dùng để mô tả một loại củ khoai có nhiều đỉnh, tượng trưng cho sự đa năng và thành công trong xã hội. Ngoài ra, khoai mỡ cũng được sử dụng trong ẩm thực Tết vì củ mẹ và củ con thường mọc cùng nhau. Điều này mang ý nghĩa của sự phát triển và thịnh vượng cho thế hệ sau, tương tự như khoai môn, và chúng thường xuất hiện trong các món ăn truyền thống Tết Nhật Bản - Osechi ryori.

Măng「たけのこ‐Takenoko」

Osechi Ryori

Là những cây măng tươi mọc nhanh, thẳng và đều. Trong những cây măng này, chúng ta thường thấy hy vọng về sức khỏe của trẻ em, thăng tiến trong sự nghiệp và cải thiện cuộc sống gia đình. Khi được sử dụng trong Osechi, chúng thường được thêm vào món ninh hoặc được trộn với gia vị dấm. 

Củ nhược「こんにゃく‐Konnyaku」

Osechi Ryori

Củ nhược là một nguyên liệu thực phẩm thường được sử dụng trong các món hầm của ẩm thực Nhật Bản. Trong Osechi người ta thường cắt ở giữa củ nhược và xoắn lại thành hình cương ngựa. Hình dạng này làm cho món Osechi trở nên hấp dẫn hơn về mặt thị giác. Món ăn này tượng trưng cho việc siết chặt tinh thần chuẩn bị cho những trận chiến sắp tới và hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp.

Các nguyên liệu không phù hợp làm Osechi

Osechi Ryori

Osechi là một món ăn truyền thống trong những ngày lễ quan trọng. Do đó, các món ăn sử dụng động vật bốn chân như lợn hay bò, món ăn cần sử dụng dao, món ăn dùng lửa, và món lẩu thường được coi là không thích hợp. Hơn nữa, bọt 「灰汁‐aku」từ món lẩu thường được liên tưởng đến từ có cùng cách đọc chữ hạn là “ác”, vì vậy không được ưa thích trong bữa tiệc kỷ niệm.

Tuy nhiên, Osechi đã thay đổi tùy theo khu vực và thời đại. Do đó, những nguyên liệu trước đây được coi là không thích hợp, nay đã không còn bị kiêng kỵ nữa và trở nên phổ biến trong các gia đình hiện đại.

Osechi có thể mua được ở đâu

Osechi Ryori

Nếu bạn đang sinh sống ở Nhật và muốn thử thưởng thức món ăn đặc sắc này thì bạn có thể tìm kiếm ở Nhiều cửa hàng bách hóa lớn tại Nhật Bản như Takashimaya, Mitsukoshi, và Isetan nơi cung cấp các hộp Osechi sang trọng, thường được chuẩn bị bởi các đầu bếp nổi tiếng hoặc các nhà hàng danh tiếng. Bên cạnh đó nhiều siêu thị lớn như Aeon, Seiyu, và Ito Yokado cũng cung cấp các lựa chọn Osechi, thường với giá cả phải chăng hơn so với cửa hàng bách hóa. Ngoài ra, một số nhà hàng cũng cung cấp mâm cỗ Osechi, thường với các phiên bản đặc biệt và độc đáo. Cuối cùng bạn có thể đặt mua Osechi thông qua các trang web và dịch vụ mua sắm trực tuyến, nơi cung cấp nhiều sự lựa chọn từ truyền thống đến hiện đại. 

Còn nếu bạn đang sinh sống ngoài Nhật Bản, Osechi có thể được tìm thấy tại các cửa hàng thực phẩm châu Á, nhà hàng Nhật Bản, hoặc có thể được đặt hàng trực tuyến từ các nhà cung cấp chuyên biệt

Tổng kết

Osechi -một món ăn truyền thống của Nhật Bản - với mỗi nguyên liệu đều có ý nghĩa riêng và được chọn lựa thật kỹ để thể hiện những nguyện vọng khác nhau. Ban đầu, Osechi được chuẩn bị như một lễ vật dâng lên các vị thần. Do đó, nguyên liệu trong Osechi truyền thống được lựa chọn kỹ lưỡng, chỉ gồm những thứ mang ý nghĩa may mắn. Tuy nhiên Osechi ở hiện đại được chuẩn bị như một món ăn cho gia đình tụ tập vào dịp Tết và nguyên liệu cũng đã thay đổi tùy theo từng khu vực và gia đình. Do đó hiểu được ý nghĩa của các nguyên liệu trong Osechi sẽ giúp bạn thưởng thức món ăn mừng năm mới này một cách trọn vẹn hơn.

Tác giả

WeXpats
Chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn nhiều bài viết đa dạng từ những thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề cuộc sống, công việc, du học cho đến các chuyên mục giới thiệu về sức hấp dẫn sâu sắc của đất nước Nhật Bản.

Mạng xã hội ソーシャルメディア

Nơi chúng tôi thường xuyên chia sẻ những tin tức mới nhất về Nhật Bản bằng 9 ngôn ngữ!

  • English
  • 한국어
  • Tiếng Việt
  • မြန်မာဘာသာစကား
  • Bahasa Indonesia
  • 中文 (繁體)
  • Español
  • Português
  • ภาษาไทย
TOP/ Văn hóa Nhật Bản/ Văn hóa truyền thống Nhật Bản/ OSECHI RYORI - MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG TRONG NGÀY TẾT NHẬT BẢN

Trang web của chúng tôi sử dụng Cookie với mục đích cải thiện khả năng truy cập và chất lượng của trang web. Vui lòng nhấp vào "Đồng ý" nếu bạn đồng ý với việc sử dụng Cookie của chúng tôi. Để xem thêm chi tiết về cách công ty chúng tôi sử dụng Cookie, vui lòng xem tại đây.

Chính sách Cookie