Nhật Bản nổi tiếng với những công trình kiến trúc độc đáo, những công trình này có từ đâu, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
SANAA là một công ty kiến trúc tài năng đã tạo nên nhiều công trình kiến trúc để đời không chỉ tại Nhật Bản mà còn trên thế giới. Vậy họ là ai, những công trình kiến trúc tiêu biểu của họ đặc biệt ra sao? Hãy cùng tìm hiểu thông qua những thông tin thật thú vị ngay sau đây.
Mục lục
- Sự ra đời của SANNA
- Hai kiến trúc sư nổi tiếng tạo nên SANAA
- Các công trình đáng chú ý của SANNA
- Sự thành công của SANAA
Sự ra đời của SANNA
SANAA (Sejima and Nishizawa and Associates) là một công ty kiến trúc có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Nhóm kiến trúc sư nổi tiếng này được thành lập vào năm 1995 bởi hai kiến trúc sư là Kazuyo Sejima (1956–) và Ryue Nishizawa (1966–).
Bài viết được tuyển chọn
Hai kiến trúc sư nổi tiếng tạo nên SANAA
Kazuyo Sejima
Kazuyo Sejima là một kiến trúc sư nữ người Nhật Bản sinh năm 1956 với phong cách thiết kế có nhiều yếu tố mang tính hiện đại như hình khối và bề mặt bóng bẩy. Cô tốt nghiệp Đại học Phụ nữ Nhật Bản năm 1979. Sau đó tiếp tục hoàn thành khóa học Thạc sĩ về kiến trúc vào năm 1981. Năm 2010, Sejima là người phụ nữ thứ hai nhận được Giải thưởng Pritzker, giải thưởng được trao cùng với Nishizawa.
Ryue Nishizawa
Ryue Nishizawa là một kiến trúc sư nam người Nhật Bản sinh năm 1966, anh tốt nghiệp Đại học Quốc gia Yokohama và là giám đốc công ty riêng - Văn phòng Ryue Nishizawa - thành lập vào năm 1997. Năm 1995, anh đồng sáng lập công ty thiết kế kiến trúc SANAA với kiến trúc sư Kazuyo Sejima. Năm 2010, anh trở thành người trẻ nhất từng nhận được Giải thưởng Pritzker, cùng với Sejima.
Phong cách thiết kế của 2 kts
Kiến trúc sư Sejima có có phong cách thiết kế thường kết hợp các vật liệu trơn và bóng như kính và đá cẩm thạch nhưng vẫn giữ được sự uyển chuyển trong các đường công của toàn bộ kiến trúc. Mục đích sử dụng kính của cô đó là cho phép ánh sáng tự nhiên lọt vào trong toà nhà, qua đó tạo được sự chuyển tiếp linh hoạt giữa nội thất và ngoại thất, cho phép một người có thể vừa nhìn được thế giới bên trong và chính bản thân họ qua bề mặt kính, và đồng thời thấy được khung cảnh bên ngoài trời qua lớp kính. Kiến trúc sư Sejima thường có những mô hình thiết kế độc đáo không theo những mẫu nhà truyền thống, cô luôn thách thức những quy trình thiết kế thông thường, vượt qua những lý thuyết đã lỗi thời để sáng tạo.
Kiến trúc sư Nishizawa có phong cách thiết kế gắn bó mật thiết với thiên nhiên, kiến trúc của anh làm nổi bật thiên nhiên và hướng nhận thức của con người đến nó. Trong các dự án của Nishizawa và bạn sẽ thường thấy đất trống, xen kẽ với các loài thực vật phong phú có dạng biểu cảm. Mặt đất không được cắt tỉa cẩn thận hoặc quá cứng; cây không đồng đều, đa dạng tạo cảm giác tự nhiên và hơi lôi thôi, tạo nên cảm giác hoang dã và chân thực hơn. Ngoài ra, cách Nishizawa sử dụng các vật liệu thông thường như thép, xi măng, đá và kính để sáng tạo những các cấu trúc một cách điêu luyện mà không hề bám sát vào lý thuyết cũ kỹ rằng vật liệu nào chỉ nên dùng cho cấu trúc nào.
Các công trình đáng chú ý của SANNA
Phòng trưng bày bằng kính của Bảo tàng Nghệ thuật Toledo ở Toledo, Ohio
Bảo tàng Nghệ thuật Toledo vừa là không gian triển lãm bộ sưu tập thủy tinh, vừa được dựng nên từ cơ sở là thủy tinh. Bảo tàng mang đến tầm nhìn xuyên qua các sân thông qua các lớp tường trong suốt, mang đến trải nghiệm liên quan đến thiên nhiên khi du khách có thể nhìn ra không gian xanh nhiều cây cối quanh tòa nhà.
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Mới ở New York
Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Mới có cấu trúc bên ngoài như các hình hộp với nhiều kích thước và chiều cao khác nhau, xếp chồng lên nhau. Bằng sự dịch chuyển của các hình khối mà toà nhà có một hình dáng năng động và thu hút, khác hẳn với những công trình kiến trúc gần đó. Chương trình của Bảo tàng bao gồm bốn phòng trưng bày công cộng ở bốn tầng đầu tiên, có không gian tự do và linh hoạt để triển lãm; một khán phòng “hộp trắng” ở tầng hầm, Trung tâm Giáo dục ở tầng 5, văn phòng ở tầng 6, phòng đa năng ở tầng 7. Bằng cách dịch chuyển các hộp, tất cả các phòng trưng bày đều nhận được ánh sáng tự nhiên, cũng như các văn phòng ở tầng cao đều sẽ có sân hiên và mở ra tầm nhìn ra cảnh quan thành phố.
Bảo tàng được sử dụng vật liệu là các tấm nhôm, nó được sử dụng như một lớp da bọc trên tất cả các bề mặt thẳng đứng, như một lớp làm mờ liên tục, tạo nên sự liên tiếp trang nhã, sáng và trắng của các bề mặt cho cảm giác như một chiếc váy trắng đẹp đẽ.
Các Trung tâm học tập Rolex tại EPFL ở Lausanne
Được xây dựng trong khuôn viên của Ecole Polytechnique Fédérale de Lausanne (EPFL), trung tâm hoạt động như một phòng thí nghiệm để học tập, một thư viện và một trung tâm văn hóa quốc tế cho EPFL, mở cửa cho cả sinh viên và công chúng, cung cấp đa dạng dịch vụ như thư viện, thu thập thông tin, không gian xã hội, không gian để học tập, nhà hàng, quán cà phê và không gian ngoài trời tuyệt đẹp. Đây là một tòa nhà có tính sáng tạo cao, với các mái dốc và bậc thang thoai thoải, với các giá đỡ gần như vô hình bên trong, cùng mái cong phức tạp, đòi hỏi phương pháp xây dựng công phu.
Serpentine Pavilion ở London
Serpentine Gallery Pavilion là không gian trưng bày nghệ thuật nổi bật với những tấm nhôm khổng lồ trôi nổi tự do giữa những tán cây, chúng phản chiếu mọi thứ xung quanh giúp mở rộng không gian, và cho phép bản thân nó hoà lẫn vào không gian xung quanh. Đây là phần mở rộng có mái che của công viên, nơi mọi người có thể đọc sách, thư giãn.
Các khu vực riêng biệt trong Pavilion có không gian cho một quán cà phê và một khán phòng, nơi sẽ trình bày chương trình sự kiện Park Nights, bao gồm các buổi biểu diễn, tọa đàm, chiếu phim và Cuộc thi Marathon Thơ ca ở Phòng trưng bày Serpentine.
Tòa nhà Christian Dior ở Omotesandō, Tokyo
Tòa nhà Christian Dior được xây dựng như là một khối hộp hình chữ nhật. Để đáp ứng các quy tắc xây dựng cứng nhắc của Tokyo - tòa nhà không được cao hơn 30 mét - và để tối đa hóa không gian, các kiến trúc sư đã thiết kế tòa nhà với các tầng có chiều cao thay đổi. Các tầng bán lẻ được xen kẽ với các không gian tiện dụng. Tường bên ngoài được xây bằng kính tạo nên một vẻ ngoài vuông vắn, sạch sẽ của thủy tinh trong suốt bao phủ một lớp da thứ hai bên trong, bằng acrylic mờ. Điều này giúp gợi ý nhẹ nhàng nhất về những gì có bên trong tòa nhà nhưng một mặt lại không tiết lộ quá rõ, tạo nên sự tò mò cho những du khách đi ngang qua.
Sự thành công của SANAA
Giải thưởng kiến trúc: giải Sư tử vàng năm 2004 cho công trình quan trọng nhất trong Triển lãm Kiến trúc Quốc tế lần thứ IX của Venice Biennale, giải Pritzker
Với những công trình kiến trúc đặc sắc tạo nên nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ kiến trúc sư, các tác phẩm của SANAA đã được đưa vào triển lãm ở nhiều nơi như City of Girls in the Japanese Pavilion tại Venice Biennale 2000; Garden Cafe tại 7 International Istanbul Biennale, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ; Zumtobel Staff-Lichtforum, Vienna, Áo; Institut Valencia d'Art Modern, Valencia, Tây Ban Nha; Zeche Zollverein, Essen, Đức; Phòng trưng bày MA, Tokyo, Nhật Bản; N-Museum, Wakayama, Japan và New Museum of Contemporary Art, New York.
SANAA đã được trao giải Sư tử vàng cho tác phẩm đáng chú ý nhất trong triển lãm Metamorph trong Triển lãm Kiến trúc Quốc tế lần thứ 9, La Biennale di Venezia năm 2004; Giải thưởng Nghệ thuật Mainichi Shinbun lần thứ 46 (Hạng mục Kiến trúc) năm 2005; và Giải thưởng Schock về hình ảnh nghệ thuật, cũng vào năm 2005.
Về cá nhân, năm 2010, cả hai kiến trúc sư trụ cột của SANAA là Sejima và Nishizawa đều được trao giải Pritzker - danh hiệu cao quý nhất trong ngành kiến trúc.
Bài viết vừa rồi đã giới thiệu đến các bạn nhóm kiến trúc sư nổi tiếng và tài hoa bậc nhất Nhật Bản cũng như là những người tiên phong trong lối thiết kế sáng tạo trên thế giới.