Nhật Bản và xã hội “DÂN SỐ GIÀ”!

WeXpats
2019/01/12

Hiện tại, tỷ lệ người cao tuổi ở Nhật Bản đã vượt qua 27% trên tổng số dân số và đã bước vào một “xã hội siêu già”. Xã hội siêu già là tình trạng xã hội như thế nào? hay trong một xã hội già như thế này thì cách sống và cách làm việc có gì thay đổi hay không? là những thắc mắc sẽ được giải đáp trong bài viết lần này.

Nhật Bản bước vào xã hội dân số già

Trước tiên, hãy cùng xem lại tình hình số lượng người cao tuổi tại Nhật Bản hiện nay.

Định nghĩa “xã hội siêu già”

Trong tổng số dân số, tỷ lệ người có độ tuổi trên 65 tuổi được gọi là tỷ lệ dân số cao tuổi. Để định nghĩa một xã hội có phải là xã hội siêu già hay không, ta cần xét theo tỷ lệ dân số cao tuổi, cụ thể như sau:

  1. Xã hội già hóa → Tỷ lệ dân số cao tuổi: 7%
  2. Xã hội già → Tỷ lệ dân số cao tuổi: 14%
  3. Xã hội siêu già hóa → Tỷ lệ dân số cao tuổi: 21%

Vào năm 2017, tại Nhật Bản, dân số trên 65 tuổi lên tới 35,15 triệu trong tổng số dân số là 126,71 triệu người. Tại thời điểm này, tỷ lệ người cao tuổi là 27,7%, và cũng từ đây, Nhật bản bước vào một xã hội siêu già.

Các biến đổi trước khi bước vào xã hội siêu già

Năm 1950, dân số trên 65 tuổi chưa đến 5%. Và con số này tiếp tục tăng lên 7% vào năm 1970 và hơn 14% vào năm 1994. Đây là một tốc độ chóng mặt. Nếu so sánh với các đất nước khác, sẽ thấy sự khác biệt không thể ngờ! Thời gian để số lượng dân số già từ 7% tăng lên 14% ở Pháp là 115 năm, Hoa Kỳ là 72 năm và Vương quốc Anh là 46 năm. Nhưng, tại Nhật Bản, thời gian này chỉ vỏn vẹn trong 24 năm, đây là tốc độ già hóa dân số nhanh khủng khiếp mà chưa từng xảy ra tại một quốc gia nào khác trên thế giới.

Tỷ lệ già hóa của Nhật Bản đạt mức cao nhất trên thế giới vào năm 2005. Trong tương lai, tình hình xã hội này được dự đoán là sẽ tiếp tục kéo dài.

Tham khảo:Văn phòng nội các “平成30年版高齢社会白書” https://www8.cao.go.jp/kourei/whitepaper/w-2018/zenbun/pdf/1s1s_01.pdf

Các “bài toán” liên quan đến xã hội siêu già

Tiếp theo, sẽ là các vấn đề lớn của Nhật Bản liên quan đến tình hình xã hội siêu già:

Gánh nặng kinh tế tăng cao

Gánh nặng lương hưu và chi phí y tế sẽ tăng lên khi ngày càng nhiều người già đã nghỉ hưu. Lương hưu có sự khác biệt về số tiền lương tùy theo từng người, rất nhiều trường hợp chỉ dựa vào tiền lương hưu thôi thì sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống tối thiểu. Do đó, khoảng một nửa số người cao tuổi đang nhận chế độ phúc lợi từ nhà nước. Hiện tại, chi phí phúc lợi cho người cao tuổi chiếm tỷ lệ vô cùng lớn trong các quỹ phúc lợi.

Lo lắng cho sự an toàn của người già

Khi người già trở nên hay quên, không minh mẫn, họ dễ gây ra lỗi trong khi lái xe hay quên tắt ga, lửa khi nấu đồ ăn,… và điều này khiến rất nhiều người vô cùng lo lắng, hoang mang. Những năm gần đây, ảnh hưởng của tuổi cao, không chỉ đơn thuần là để quên đồ mà đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến người già. Và đối với điều này, không chỉ người cao tuổi mà những người trẻ xung quanh cũng cần đề cao sự chú ý, cảnh giác khi lưu thông trên đường cũng như trong các trường hợp cần thiết khác.

Thiếu nhân viên điều dưỡng, gánh nặng đối với gia đình

Khi xã hội già hóa, nhu cầu về số lượng hộ lý, nhân viên điều dưỡng cũng tăng cao. Và hiện tại, số lượng này đang trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Cũng chính vì vậy, nhiều gia đình rơi vào tình trạng người nhà bắt buộc phải nghỉ việc để tự chăm sóc bố/mẹ già – từ bữa ăn, giấc ngủ, đến việc đi vệ sinh,… Và việc để mắt 24/24 như thế này khiến những người chăm sóc bị căng thẳng, gây ra mất ngủ, sức khỏe giảm sút và kinh tế hao hụt.

Hơn nữa, việc dân số già tăng mạnh cũng khiến chính phủ Nhật Bản lo ngại về một tương lai không xa đất nước này sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt cơ sở điều dưỡng, phúc lợi dưỡng lão trầm trọng. Đây cũng là 1 trong những nguyên nhân hiện nay, nhiều trường hợp người già tại Nhật chết trong cô đơn tại chính căn nhà của mình.

Đối sách liên quan đến vấn đề giảm tỷ lệ sinh

Tại Nhật Bản, cùng với vấn đề già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm cũng đang là một tình trạng nghiêm trọng. Vậy để cải thiện vấn đề này, xã hội Nhật Bản đang có những nỗ lực gì?

Tạo ra những môi trường làm việc tốt đối với nữ giới

Trong những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh phát động khẩu hiệu: “一億総活躍社会の実現”, nhằm kêu gọi xã hội cùng giải quyết vấn đề giảm tỷ lệ sinh. Trong số đó, việc thiết lập chế độ thích hợp tại các công ty sao cho những người phụ nữ tạm nghỉ việc để kết hôn, sinh con, chăm sóc con cái sẽ được hỗ trợ tích cực về mặt kinh tế cũng như khi họ muốn tái hoạt động công việc đang rất được chú trọng… Bởi tại Nhật Bản, người phụ nữ một khi đã nghỉ việc để kết hôn và sinh con thì rất có thể sẽ không thể quay lại với công việc như trước nữa.

Tiếp nhận lao động nước ngoài

Tỷ lệ sinh giảm, dân số già tăng cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản. Liên quan đến vấn đề này, có rất nhiều các cuộc thảo luận được mở ra và chính sách sử dụng nguồn lao động nước ngoài đang được đẩy mạnh trong những năm gần đây.Ngoài ra, để cải thiện tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực,  không chỉ tiếp nhận nguồn lao động trẻ từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, chính phủ nước này cũng đang đàm phán về việc cho phép nhập cảnh đối với di dân.

Trong lĩnh vực chăm sóc điều dưỡng nói riêng, Nhật Bản cũng tích cực tiếp nhận các hộ lý, nhân viên điều dưỡng người nước ngoài. Theo khảo sát của Cơ quan phúc lợi và y tế quốc tế, có gần 80% cơ sở đã thuê người nước ngoài và được đánh giá rất tích cực. Sử dụng nhân viên người nước ngoài có thể là một giải pháp cho vấn đề thiếu hụt nhân lực trong ngành chăm sóc điều dưỡng tại Nhật Bản về lâu dài.

Sử dụng công nghệ (Robot chăm sóc)

Vấn đề thiếu hụt nhân lực còn được tích cực cải thiện bởi biện pháp sử dụng robot. Hiện nay, một trong những loại robot đang được chú trọng phát triển nhất chính là robot chăm sóc. Robot chăm sóc được có 2 vai trò đó là giảm gánh nặng cho người hộ lý / điều dưỡng và hỗ trợ sự độc lập chăm sóc cho người cao tuổi. Cụ thể có 3 loại sau:

  1. Loại hỗ trợ chăm sóc: di chuyển, tắm rửa, đi vệ sinh,…
  2. Loại hỗ trợ độc lập: hỗ trợ đi bộ, hỗ trợ luyện tập phục hồi chức năng, ăn uống, đọc sách,…
  3. Loại  giao tiếp / loại bảo mật: Giao tiếp với người dùng, chăm sóc và theo dõi tinh thần,…

Những loại robot này được kỳ vọng sẽ mang đến ảnh hưởng tích cực cho bài toán thiếu hụt nhân lực của ngành y tế điều dưỡng.

Chuẩn bị cho tương lai với một xã hội siêu già

Cùng tìm hiểu về những chuẩn bị cần thiết cho một xã hội ngày càng nhiều dân số già của đất nước Nhật Bản nhé!

Cải thiện hệ thống bảo hiểm điều dưỡng

Điều đầu tiên phải kể đến là sự cải tiến của hệ thống bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng. Do nghị quyết sửa đổi luật bảo hiểm chăm sóc dài hạn của Nhật Bản vào năm 2005, các dịch vụ chăm sóc điều dưỡng khác nhau đã được phát triển trên toàn quốc theo từng tình trạng của người cao tuổi. Trong tương lai gần, các chế độ này sẽ cần được tăng cường hơn nữa, chẳng hạn như đa dạng hóa các dịch vụ.

Xây dựng hệ thống chăm sóc cộng đồng toàn diện

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã đề ra việc xây dựng một hệ thống mang tên “chăm sóc cộng đồng toàn diện”, mục tiêu là hoàn thành trong năm 2025. Đây là hệ thống hỗ trợ chăm sóc cuộc sống của người cao tuổi tại chính địa phương nơi họ đang sống. Chính vì vậy, việc thiết lập hệ thống “chăm sóc cộng đồng toàn diện” này sao cho phù hợp với từng địa phương là vấn đề đang được chú trọng.
Như tất cả các thông tin chúng tôi đã chia sẻ ở trên, một xã hội siêu già sẽ cần rất nhiều các biện pháp và đối sách trong cả hiện tại và tương lai.
Rất mong bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu thêm về vấn đề dân số già hóa tại Nhật Bản!

 

Chia sẻ

Tác giả

WeXpats
Chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn nhiều bài viết đa dạng từ những thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề cuộc sống, công việc, du học cho đến các chuyên mục giới thiệu về sức hấp dẫn sâu sắc của đất nước Nhật Bản.

Mạng xã hội ソーシャルメディア

Nơi chúng tôi thường xuyên chia sẻ những tin tức mới nhất về Nhật Bản bằng 9 ngôn ngữ!

  • English
  • 한국어
  • Tiếng Việt
  • မြန်မာဘာသာစကား
  • Bahasa Indonesia
  • 中文 (繁體)
  • Español
  • Português
  • ภาษาไทย
TOP/ Cuộc sống ở Nhật/ Y tế, Sức khỏe, Bảo hiểm tại Nhật Bản/ Nhật Bản và xã hội “DÂN SỐ GIÀ”!

Trang web của chúng tôi sử dụng Cookie với mục đích cải thiện khả năng truy cập và chất lượng của trang web. Vui lòng nhấp vào "Đồng ý" nếu bạn đồng ý với việc sử dụng Cookie của chúng tôi. Để xem thêm chi tiết về cách công ty chúng tôi sử dụng Cookie, vui lòng xem tại đây.

Chính sách Cookie