Nếu bạn đang có thắc mắc về các hoạt động mà người dân Nhật Bản thường làm vào mỗi dịp cuối năm thì hãy theo dõi những thông tin dưới đây để tìm câu trả lời nhé!
Ngày cuối năm tại Nhật Bản thường được người Nhật gọi với tên gọi là Oomisoka. Vào ngày này nhiều hoạt động được diễn ra như dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ osechi, đến chùa,… Nếu bạn đang có thắc mắc về các hoạt động mà người dân Nhật Bản thường làm vào mỗi dịp cuối năm thì hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về ý nghĩa cũng như cách người Nhật làm những hoạt động vào ngày cuối năm Oomisoka như thế nào nhé!
Mục lục
- Ngày Oomisoka là ngày bao nhiêu?
- Hoàn tất dọn dẹp nhà cửa trước ngày Omisoka
- Làm cỗ “Osechi” và ăn mì “Toshikoshi soba” trong ngày Oomisoka
- Lắng nghe tiếng chuông Joya đêm cuối năm
Ngày Oomisoka là ngày bao nhiêu?
Ngày cuối cùng của một năm, tức 31/12, là “Omisoka"
Tại Nhật Bản những ngày cuối cùng của tháng thường được gọi là “misoka”, còn ngày cuối cùng của năm tức ngày 31/12 hằng năm được gọi là “Oomisoka”.
Vào ngày Oomisoka đa số người Nhật sẽ dành thời gian để dọn dẹp nhà cửa và ở bên cạnh những người thân của mình. Một số khác thì tham gia các sự kiện đếm ngược Countdown chào mừng năm mới cùng với người thân, bạn bè của mình. Hầu hết người Nhật đều thu xếp công việc hiện tại để về quê đón tết cùng với gia đình vào ngày Oomisoka này.
Bài viết được tuyển chọn
Hoàn tất dọn dẹp nhà cửa trước ngày Omisoka
Hoạt động dọn dẹp Oosouji
Hoạt động dọn dẹp Oosouji là hoạt động tổng vệ sinh được thực hiện vào ngày cuối năm hoặc những ngày trước đó.
Đối với hoạt động này người Nhật sẽ vô cùng tỉ mỉ trong việc dọn dẹp tất cả những ngóc ngách trong ngôi nhà để chúng đều trong tình trạng sạch sẽ nhất. Những ngôi nhà được dọn dẹp sạch sẽ hằng ngày thì hoạt động này diễn ra tương đối nhanh chóng. Ngược lại đối với những ngôi nhà không được dọn dẹp thường xuyên thì gia chủ phải dọn dẹp trước đó mới đảm bảo.
Ý nghĩa của việc dọn dẹp
Người dân Nhật Bản cho rằng vào ngày đầu của năm mới sẽ có vị thần tên là Toshigami đến thăm mỗi gia đình. Vị thần này giúp mang lại nhiều điều may mắn và tốt lành đến với mỗi gia đình trong năm mới. Đây là một vị thần rất thích sự sạch sẽ và ngăn nắp, chính vì vậy người Nhật phải dọn dẹp nhà cửa của mình thật ngăn nắp trước khi chào đón vị thần này.
Bên cạnh đó việc dọn dẹp nhà cửa cuối năm sẽ giúp mang đến không khí tươi mới để mọi gia đình cùng nhau vui vẻ và hân hoan để chào đón năm mới. Chính vì vậy tục dọn dẹp nhà cửa trước tết còn được người Nhật lưu giữ đến tận ngày nay.
Làm cỗ “Osechi” và ăn mì “Toshikoshi soba” trong ngày Oomisoka
Mâm cỗ osechi
Mâm cỗ osechi là tên gọi để chỉ một mâm thức ăn lớn được người Nhật chuẩn bị và có thể dùng để ăn đủ cho cả 3 ngày tết. Người Nhật cho rằng 3 ngày đầu năm sẽ hạn chế việc nấu nướng nên những người vợ cùng với những người khác trong gia đình sẽ cùng nhau nấu nướng để làm một mâm cỗ osechi đầy ắp thức ăn.
Thành phần của các món ăn trong mâm cỗ osechi sẽ có sự khác nhau tùy vào từng vùng miền tại Nhật. Mỗi một món ăn trong mâm cỗ sẽ mang một ý nghĩa riêng đại diện cho những sự tốt lành và may mắn đến với người ăn trong năm mới.
Mỗi món ăn trong osechi được đặt trong các khay của hộp và sếp chồng lên nhau khi ăn chỉ cần đưa những chồng thức ăn xuống là được. Với sự bận rộn như hiện nay nhiều gia đình Nhật Bản lựa chọn cách thức đặt những mâm cỗ osechi và giao đến tận nhà thay vì trực tiếp chuẩn bị.
Mì trường thọ: ý nghĩa, hương vị món ăn…
Mì trường thọ là một trong những món ăn không thể thiếu trong những ngày năm mới của người dân Nhật Bản. Loại mì này mang đến ý nghĩa cầu mong sự bình an, may mắn và sức khoẻ đến với những người ăn chung vào dịp năm mới.
Ngoài ra tính chất dài nhưng dễ bị cắn đứt của sợi mì đại diện cho ý nghĩa là chia tay những điều không may của năm cũ để chào đón những điều tốt đẹp của năm mới.
Lắng nghe tiếng chuông Joya đêm cuối năm
Ý nghĩa tiếng chuông chùa
Chuông chùa đêm giao thừa (Joya no kane) cũng là một trong những nét văn hoá độc đáo được người Nhật duy trì đến tận bây giờ. Vào đêm giao thừa tại các ngôi chùa sẽ đánh 108 tiếng chuông với ý nghĩa là giúp con người loại bỏ những dục vọng của bản thân trọng năm cũ và đón năm mới bằng một trái tim thuần khiết nhất. Trong 108 tiếng chuông chùa sẽ có 107 tiếng được các nhà sư đánh trước trong đêm giao thừa và tiếng chuông thứ 108 sẽ đánh vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.
Tại một số ngôi chùa hầu hết việc đánh chuông Joya này được các nhà sư thực hiện, nhưng cũng có một số ngôi chùa cho các phật tử cũng như du khách trải nghiệm hoạt động đánh chuông này. Chính vì vậy mà những ngôi chùa là nơi mà nhiều người dân Nhật Bản tập trung đông đức vào đêm giao thừa để cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới.
Nếu có dịp đến với Nhật Bản vào những ngày cuối năm thì đừng nên bỏ qua việc trải nghiệm các hoạt động văn hoá truyền thống độc đáo của người dân đất nước mặt trời mọc này nhé. Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn đọc hiểu hơn về văn hoá và phong tục tập quán của Nhật Bản.