Với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và sự hội nhập cùng văn hóa phương Tây, Nhật Bản đang vươn mình trỗi dậy về mọi mặt. Thế nhưng, đất nước này vẫn luôn giữ cho mình nét đẹp truyền thống, mà điển hình được thể hiện qua những phong tục ngày Tết Nhật Bản. Vậy Tết Nhật Bản có gì khác so với các nước khác, hãy cùng WeXpats tìm hiểu đôi nét văn hóa về Tết Nhật Bản qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Tết Nhật Bản bắt nguồn từ đâu?
2. Người Nhật làm gì trong ngày Tết Nhật Bản
3. Tết Nhật Bản và các món ăn truyền thống
4. Các lưu ý trong ngày Tết Nhật Bản
5. Tổng kết
Tết Nhật Bản bắt nguồn từ đâu?
Tết Nhật Bản「お正月 - Oshōgatsu」bắt nguồn từ phong tục chào đón vị thần năm mới「年神様 - Toshigami sama」. Vị thần được cho là ban phước lành sức khỏe và hạnh phúc cho mọi người trong suốt một năm.
Giống với Việt Nam chúng ta, Nhật Bản đã từng có Tết cổ truyền theo âm lịch. Tuy nhiên, để ưu tiên cho việc phát triển kinh tế và do chịu ảnh hưởng của các nước phương Tây, Nhật Bản chính thức bỏ Tết âm và chuyển qua đón Tết dương lịch. Tết Nhật Bản hàng năm sẽ rơi vào ngày 1 tháng 1. Nhưng dù thế nào đi nữa, Tết đối với người Nhật vẫn luôn là một kì nghỉ được mong đợi. Đây là quãng thời gian gia đình sum họp quý giá trong suốt một năm.
Tham khảo:
Thắc mắc: Tết ở Nhật được nghỉ bao nhiêu ngày
Người Nhật làm gì trong ngày Tết Nhật Bản
Dọn dẹp nhà cửa「大掃除 - Daisōji」
Để có một cái Tết thật ấm cúng cũng như không khí cho năm mới sắp tới, nhà cửa, trường học cũng như các công sở sẽ tiến hành tổng vệ sinh. Ngày xưa, họ thường tiến hành vào ngày 13/12 và ngày này được gọi là 「すす払い - Susuharai」. Tuy nhiên, do sự bận rộn của công việc mà việc dọn dẹp có thể tiến hành vào ngày cuối cùng của tháng 12. Hiện nay, vẫn có các Thần điện hay chùa chiền tiến hành việc dọn dẹp vào ngày 13 linh thiêng này.
Trang trí nhà cửa
Sau khi tiến hành dọn dẹp nhà cửa, người Nhật sẽ chuẩn bị để đón vị thần năm mới. Người ta thường chọn ngày đẹp để tiến hành trang trí nhà đón Tết Nhật Bản là ngày 28 hoặc ngày 30. Một số món đồ hay được dùng để trang trí trong đợt Tết Nhật Bản có thể kể đến như 「門松 - Kadomatsu」,「しめ飾り - Shimekazari」,「「鏡餅 - Kagami mochi」.
- 門松 - Kadomatsu: Theo phong tục từ xa xưa, cây thông được coi là vật dẫn đường của các vị thần, do vậy người ta luôn đặt cây thông ở ngoài cửa. Từ đó, kadomatsu là ba cây tre vát chéo, xung quanh được trang trí bởi những cành thông. Trong những ngày Tết Nhật Bản, Kadomatsu thường được đặt ở trước cửa nhà hay lối ra vào của công ty, mang ý nghĩa một năm mới hanh thông, vạn sự tốt lành.
- しめ飾り - Shimekazari: Một vật trang trí truyền thống dành cho dịp Tết Nhật Bản. Shimekazari là một vòng tròn thường được quấn bằng rơm, treo ở cửa ra vào với mong muốn trừ quỷ, trừ tà, ngăn chặn tinh thần xấu.
- 鏡餅 - Kagami mochi: Đây chính là mâm bánh dày được tạo nên từ 2 chiếc bánh, 1 lớn 1 nhỏ tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời và trang trí quả cam ở phía trên. Kagami mochi mang theo ý nghĩa là sự kết hợp giữa hạnh phúc và tài sản cầu bình an, sung túc cho gia chủ. Chính vì vậy, trong dịp Tết Nhật Bản kagami mochi luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Bạn cũng có thể coi nó như là mâm ngũ quả của Việt Nam cũng không sai.
Đón bình minh ngày đầu năm「初日の出 - Hatsuhinode」
Trong Tết Nhật Bản, bình minh ngày đầu năm được coi là biểu tượng của sự khởi đầu năm mới. Do đó, mọi người thường đi đến những nơi có tầm nhìn tốt để chiêm ngưỡng bình minh đầu tiên của năm.
Lì xì năm mới「お年玉 - Otoshidama」
Dù là ở Nhật Bản hay Việt Nam thì phong tục lì xì vẫn là một phần không thể thiếu trong ngày Tết. Các phong bao lì xì sẽ được đựng trong những chiếc túi nhỏ xinh xắn với nhiều hình dáng ngộ nghĩnh kèm theo những lời chúc sức khỏe, công việc và học tập suôn xẻ.
Tham khảo:
Đồng 5 yên ở Nhật – đồng tiền may mắn và tài lộc mừng năm mới
Viết thiệp chúc Tết「年賀状 - Nengajo」
Đây có thể coi là một trong những văn hóa truyền thống nhất được cả những người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật mong muốn được trải nghiệm. Những tấm thiệp xinh xắn được viết bằng tay, in hình những con giáp ngộ nghĩnh hay là những biểu tượng như núi Phú Sĩ, hoa Anh Đào. Thiệp chúc mừng cần được viết và gửi đi từ trước ngày 31/12 . Bên vận chuyển của bưu điện sẽ phân loại, sắp xếp, và chuyển phát tới người nhận vào đúng sáng ngày 1 Tết Nhật Bản. Thật thú vị phải không nào.
Nengajo có gì mà người Nhật lại "xem trọng" đến vậy? Hãy tìm hiểu bài viết dưới đây của WeXpats nhé!
Cách tạo nên Nengajo - Tấm thiệp chúc mừng năm mới ở Nhật Bản
Đi chùa đầu năm「初詣 - Hatsumōde」
Hatsumōde mang ý nghĩa đi viếng đền, chùa ngày đầu năm. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người Nhật đi vào khoảnh khắc sau giao thừa. Vào dịp này, thần điện ở mọi nơi không kể lớn nhỏ đều tấp nập người đến viếng. Một số những địa điểm nổi tiếng ở Tokyo như chùa Asakusa, đền thờ Meiji jingu sẽ khó mà có thể di chuyển được bởi lượng người đổ về đây cực kì nhộn nhịp. Người dân ở Nhật cùng nhau cầu nguyện trong bầu không khí vô cùng linh thiêng. WeXpats xin giới thiệu đến bạn một số thông tin cụ thể về nghi lễ viếng chùa trong ngày Tết Nhật Bản qua bài viết Lễ chùa đầu năm hatsumode ở Nhật
Nghi lễ “khai gương” đầu năm「鏡開き - Kagami biraki」
Vào ngày 11 tháng 1 trong dịp Tết Nhật Bản, các gia đình sẽ tổ chức nghi lễ dâng kagami mochi lên thần linh và sau đó phá vỡ bằng búa. Hành động này là biểu tượng cho sự mở cửa may mắn và tài lộc cho năm mới.
Tết Nhật Bản và các món ăn truyền thống
Mì soba「年越し蕎麦 - Toshikoshi Soba」
Nhằm chuẩn bị đón Tết Nhật Bản, người ta sẽ chọn mì soba để ăn vào ngày 31 tháng 12, ngày cuối cùng trong năm. Sợi mì soba dài tượng trưng cho sự trường thọ với thân mình thon và trơn tuột tượng trưng cho mọi sự suôn sẻ, xuôi chèo mát mái. Đúng như tên gọi của mình, mì soba sẽ được ăn vào đêm cuối năm để kết thúc một năm cũ qua đi.
Osechi
Osechi là một món ăn được dâng lên thần linh trong dịp Tết Nhật Bản. Tất cả món ăn và hộp đựng của osechi mang ý nghĩa hy vọng cho một mùa màng bội thu, sức khỏe, hạnh phúc. Được dâng lên như lời cầu nguyện cho một khởi đầu mới trong năm và osechi được ăn vào ngày đầu tiên của năm mới.
Bạn có thể tham khảo thêm về ý nghĩa của các món ăn Osechi trong ngày Tết Nhật Bản qua bài viết OSECHI RYORI - MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG TRONG NGÀY TẾT NHẬT BẢN
Súp truyền thống「お雑煮 - Ozōni」
Ozoni là món súp nấu từ bánh mochi và rau củ để dâng thần trong dịp Tết Nhật Bản. Truyền thuyết Nhật Bản tương truyền rằng, vị thần năm mới sẽ xuất hiện và trao bánh dày cho những em bé ngoan ngoãn và biết nghe lời vào ngày Tết Nhật Bản. Với mong muốn sẽ nhận thêm được nhiều món quà hơn nữa từ thần linh, phong tục ăn bánh dày vẫn còn được lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Tham khảo:
Bánh mochi – biểu tượng may mắn trong dịp Tết của người Nhật
Mì udon「年明けうどん - Toshiake Udon」
Ngoài osechi, mì udon là một trong những phong tục ẩm thực truyền thống của Nhật Bản thường được thực hiện vào buổi sáng ngày mùng 1 tháng 1 của dịp Tết Nhật Bản. Món ăn này mang ý nghĩa của sự may mắn và khởi đầu tốt lành cho năm mới. Ăn Udon vào buổi sáng ngày đầu năm được coi là một cách để cầu mong một năm mới tràn đầy sức khỏe và hạnh phúc.
Các lưu ý trong ngày Tết Nhật Bản
Để có một năm thuận lợi, suôn sẻ người Nhật cũng có một số điều kiêng kỵ tránh làm trong ngày Tết Nhật Bản.
Tránh dọn dẹp
Vào dịp Tết Nhật Bản, đặc biệt là trong ba ngày đầu năm, người ta sẽ tránh việc dọn dẹp nhà cửa. Người Nhật tin rằng các vị thần sẽ đến thăm nhà và mang lại phúc lành vào dịp năm mới. Do đó, việc dọn dẹp có thể quét đi những phúc lành này ra khỏi nhà.
Không sử dụng dao
Dao được coi là biểu tượng của việc cắt đứt mối quan hệ và có thể gây hại cho nên người Nhật hạn chế sử dụng dao.
Không nấu nướng bằng lửa
Trong ba ngày đầu năm mới, người Nhật thường kiêng nấu nướng bằng lửa. Điều này vừa nhằm tránh hỏa hoạn vừa giúp gia đình không phải bận rộn với việc nấu nướng, từ đó có thể thoải mái tận hưởng ngày Tết Nhật Bản. Việc chuẩn bị các món ăn Tết như Osechi trước đó giúp họ không cần phải sử dụng lửa trong những ngày này.
Tổng kết
Đêm giao thừa ở Nhật hầu như sẽ không bắn pháo hoa để chúc mừng. 108 tiếng chuông chùa sẽ vang lên trong không khí trầm ấm đêm giao thừa. Người Nhật tin rằng, 108 tiếng chuông tượng trưng cho 108 điều ham muốn trần tục của con người. 108 tiếng chuông này kết thúc cũng là lúc những điều đau khổ của năm cũ qua đi, chào đón một năm mới vui vẻ và gặt hái được nhiều thành công. Nếu có cơ hội đến Nhật, hãy cố gắng trải nghiệm những giây phút đón năm mới tại đây nhé. Chắc chắn sẽ là những hình ảnh không bao giờ làm bạn phải thất vọng đâu.