Cuộc sống tại Nhật-Trường hợp khẩn cấp

WeXpats
2019/04/17

Khi đến Nhật Bản, sẽ có những lúc bạn cần gọi cảnh sát hoặc xe cứu thương khi không may gặp tai nạn. Hãy cùng tìm hiểu về những điều bạn nên làm khi có thiên tai, trộm cắp hoặc cần hỗ trợ y tế nhé.

Trường hợp khẩn cấp

Tất cả những cuộc gọi báo về trộm đột nhập, hỏa hoạn hoặc tai nạn giao thông, v.v… đều được dẫn đến số 110, tức số điện thoại của cảnh sát Nhật Bản. Tuy nhiên, để rõ ràng hơn, bạn nên gọi 119 nếu có hỏa hoạn hoặc khi cần trợ giúp về y tế.

Gọi 119 (hoàn toàn miễn phí). Khi bạn gọi đến số này, hãy nêu tình trạng của vụ cháy hoặc ai đó bị thương, và miêu tả về (địa chỉ) nơi bạn đang có mặt hiện tại.

  • Có một vụ cháy (kaji desu 火事です) hoặc Tòa nhà bên cạnh đang bốc cháy (Tonari no Ie ga Moete-imasu 隣の家が燃えています).
  • Có người đang bị bệnh (kyubyou desu 急病です) hoặc có người bị thương nặng (o-kega-desu 大怪我です).

Gọi 110 (hoàn toàn miễn phí) khi có trộm đột nhập hoặc tai nạn giao thông. Kể về vụ việc (nơi diễn ra và thời gian diễn ra), và nói về bản thân (tên tuổi địa chỉ và số điện thoại liên lạc).

  • Có một vụ tai nạn giao thông (koutsuu-jiko desu 交通事故) hoặc Có một chiếc xe hơi và xe đạp va chạm với nhau (kuruma to jitensha ga butsukarimashita 車と自転車がぶつかりました)
  • Có trộm đột nhập (dorobou ni hairaremashita 泥棒に入られました)

Giới thiệu bản thân trong trường hợp được hỏi như sau.

Basho wa [nơi xảy ra vụ việc]. Namae wa [tên của bạn]. Denwa bangou wa [số điện thoại của bạn].

Đề phòng kẻ gian ở Nhật

Tuy rằng Nhật Bản là một đất nước rất an toàn, nhưng ở đâu cũng có những kẻ gian mà bạn cần đề phòng, trong đó phổ biến nhất ở Nhật là trộm cắp và biến thái. Vì vậy hãy đề phòng những kẻ xấu trên bằng những biện pháp như sau.

  • Khi bạn thường xuyên về nhà một mình vào trời tối, bạn nên lắp đặt camera hoặc đèn cảm ứng trong trường hợp khu vực nơi bạn sống quá vắng vẻ.
  • Không tự tiện mở cửa mà không kiểm tra người bấm chuông qua lỗ mắt thần trước.
  • Nếu bạn cảm thấy bị bám theo trên một con đường vắng, cố gắng đi đến chỗ đông người hoặc lấy điện thoại ra giả vờ nói chuyện với bạn của mình.
  • Không được mang vũ khí như dao kéo để tự vệ bên mình cho dù bạn chỉ có mục đích phòng thân. Nếu bạn sợ, bạn nên trang bị còi báo động dành cho trẻ em.
  • Nếu máy giặt của bạn được đặt ở bên ngoài hiên nhà, nên căn thời gian và rút đồ ngay lập tức nếu không kẻ gian sẽ cuỗm vài món quần áo của bạn đấy.
  • Nếu bạn cảm thấy mình đang bị một ai đó đe dọa, đừng cố gắng nói chuyện bằng tiếng Nhật nữa mà hãy chuyển sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Đa phần đối phương đều sẽ chùn chân khi phải đối diện với một ngôn ngữ họ không hiểu.
  • Không được tỏ ra sợ hãi. Hãy hô hoán càng to càng tốt khi bạn bị đe dọa để báo cho mọi người xung quanh biết.

Chuẩn bị khi có thiên tai

Khi có cảnh báo về động đất sóng thần, điện thoại của bạn (được mua tại Nhật) sẽ reo lên liên hồi. Khi đó, hãy xem xét mức độ động đất mà tìm nơi trú ẩn thích hợp. Những nơi trú ẩn thiên tai như động đất sóng thần được gọi là Hinanjo 避難所. Những nơi này có thể là trường học hoặc công viên nên bạn cần kiểm tra khi chuyển đến sinh sống tại một địa phương mới nhé. Thông thường, bạn sẽ tìm được thông tin về địa điểm trú ẩn trong những quyển hướng dẫn cuộc sống tại địa phương. Bạn có thể nhận được quyển hướng dẫn này tại tòa thị chính (shiyakusho市役所 hay kuyakusho区役所).

Trong trường hợp có thiên tai xảy ra trên diện rộng và đôi khi điện thoại hay internet đều bị nghẽn, bạn có thể sử dụng điện thoại công cộng, nhưng chắc chắn là bạn sẽ phải xếp hàng khá lâu đấy.

  • Kiểm tra nơi tị nạn của khu vực mình đang sinh sống.
  • Hãy bỏ tất cả nhu yếu phẩm vào một cái hộp và cất gọn để có thể dễ dàng lấy ra thật nhanh gọn. Nhu yếu phẩm này bao gồm: khoảng 2 lít nước, vài hộp đồ hộp, đồ khô như lương khô, thuốc (nếu bản thân bị hen suyễn, dị ứng, v.v…), đèn pin, tiền mặt. Bạn nên chuẩn bị thêm một cái bao ni-lông màu đen để giải quyết nỗi buồn trong trường hợp toilet bị cắt nước.
  • Nên cố định chân đế của các vật dụng đặt trên tủ kệ như ti-vi, lò vi ba, lò nướng, bình hoa,…
  • Nếu cửa tủ trên cao của bạn là loại mở ra 2 cánh, bạn nên buộc 2 tay nắm lại đề phòng động đất làm bung cánh cửa.
  • Xác định vị trí của bình chữa cháy.
  • Không nên đặt nệm hoặc giường ở dưới những vật có nguy cơ đổ xuống như ti-vi hoặc tủ quần áo.
  • Chú ý lắng nghe hướng dẫn từ những chiếc xe sơ tán trong trường hợp có thiên tai.

Sau đây là những lưu ý đề phòng kẻ gian, thiên tai và những điều cần làm khi gặp nạn cùng những số điện thoại sẽ hỗ trợ cho bạn. Hi vọng là cuộc sống ở Nhật Bản của bạn sẽ diễn ra thật êm đềm và không trải qua sự cố nghiêm trọng nào cả.

Chia sẻ

Tác giả

WeXpats
Chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn nhiều bài viết đa dạng từ những thông tin hữu ích xoay quanh vấn đề cuộc sống, công việc, du học cho đến các chuyên mục giới thiệu về sức hấp dẫn sâu sắc của đất nước Nhật Bản.

Mạng xã hội ソーシャルメディア

Nơi chúng tôi thường xuyên chia sẻ những tin tức mới nhất về Nhật Bản bằng 9 ngôn ngữ!

  • English
  • 한국어
  • Tiếng Việt
  • မြန်မာဘာသာစကား
  • Bahasa Indonesia
  • 中文 (繁體)
  • Español
  • Português
  • ภาษาไทย
TOP/ Cuộc sống ở Nhật/ Nhà ở tại Nhật Bản/ Cuộc sống tại Nhật-Trường hợp khẩn cấp

Trang web của chúng tôi sử dụng Cookie với mục đích cải thiện khả năng truy cập và chất lượng của trang web. Vui lòng nhấp vào "Đồng ý" nếu bạn đồng ý với việc sử dụng Cookie của chúng tôi. Để xem thêm chi tiết về cách công ty chúng tôi sử dụng Cookie, vui lòng xem tại đây.

Chính sách Cookie