Nếu đến các đền thờ tại Nhật Bản, bạn sẽ bắt gặp Omikuji, một quẻ bói đoán vận may trong tín ngưỡng dân gian của người Nhật.
Với văn hóa tín ngưỡng dân gian lâu đời, Nhật Bản có rất nhiều đền thờ ở khắp mọi nơi. Đặc biệt là vào những dịp năm mới hay khi có những việc quan trọng, người Nhật thường đến đền thờ để xin Omikuji nhằm đưa ra quyết định cho mình. Đây là một kiểu quẻ bói của người Nhật được sử dụng từ thời xa xưa, mang đến những ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần.
Mục lục
- Nguồn gốc và lịch sử quẻ bói Omikuji Nhật Bản
- Chi tiết phong tục rút quẻ bói Omikuji
- Thứ tự và nội dung quẻ bói Omikuji
- Làm gì sau khi rút được quẻ bói Omikuji
Nguồn gốc và lịch sử quẻ bói Omikuji Nhật Bản
Nguồn gốc
Tại nước Nhật vào thời kỳ xa xưa, khi có các quyết định trọng đại liên quan đến quốc gia, người kế vị thì những vị Thiên hoàng của Nhật sẽ lắng nghe ý kiến của các vị thần linh. Họ sẽ đến đền thờ Thần đạo để xin ý kiến thông qua việc rút quẻ bói. Đó cũng là sự bắt đầu và là nguồn gốc của Omikuji.
Lịch sử phát triển của Omikuji
Về thời gian sau này, phong tục đó không còn được sử dụng nữa mà thay Omikuji bằng việc tiên đoán vận mệnh, may mắn cho mọi người dân. Do đó, với quẻ bói này đã trở thành một điều linh thiêng, mang ý nghĩa về mặt tín ngưỡng của người Nhật, nhưng không còn quá nặng nề như thời kỳ trước đây.
Quẻ bói này được tạo ra bởi Ryoigen vào những năm 912 – 985. Vị trụ trì này là người thứ 18 trụ trì ngôi chùa Enryakuji. Tuy nhiên, thời điểm đó Omikuji chưa được phổ biến, phải đến thời kỳ Kamakura nó mới được sử dụng trong việc tiên đoán vận mệnh của con người.
Phong tục rút quẻ Omikuji ngày nay phổ biến như thế nào?
Phong tục rút quẻ Omikuji ở Nhật hiện nay rất phổ biến tại Nhật Bản. Đặc biệt với nền tín ngưỡng của người Nhật, thì khi họ muốn biết được vận mệnh của mình trong dịp năm mới sẽ đến chùa để rút quẻ bói này. Phong tục này được duy trì xuyên suốt mỗi năm và hầu hết mọi người dân đều muốn biết được mình có gặp may mắn trong năm tiếp theo hay không. Cho đến hiện nay, phong tục này đã được phổ biến với cả những người nước ngoài, khách du lịch và có mặt tại hầu hết các đền thờ, chùa chiền ở Nhật.
Bài viết được tuyển chọn
Chi tiết phong tục rút quẻ bói Omikuji
Giá rút quẻ
Tại các đền thờ và chùa chiền ở Nhật Bản, khi xin quẻ bạn sẽ tốn phí. Tuy nhiên, mức phí ở đây chỉ từ 100 – 200 yên, không quá cao. Mức phí này tương tự như việc bạn cúng dường công đức cho chùa. Tại một số ngôi chùa, trên bàn cạnh hộp đựng quẻ sẽ có các khe để bạn bỏ tiền vào, một số nơi sẽ có các quầy để bạn mua quẻ.
Các bước khi rút quẻ: rút quẻ bói Omikuji sáu khi đã thăm viếng và lễ bái đền chùa> làm sạch tay và miệng thật cẩn thận tại khu vực Chouzuya (khu vực giếng tẩy rửa)
Trước khi rút quẻ bói Omikuji này, bạn nên thăm viếng và lễ bái đền chùa. Hầu hết, mọi người sẽ thực hiện điều này trước khi xin quẻ nhằm thể hiện sự tôn kính với các vị Thần, cũng như thể hiện tấm lòng của mình. Tại các đền chùa ở Nhật, trước khi vào lễ bái bạn sẽ phải thực hiện nghi thức rửa sạch tay và miệng ở khu vực Chouzuya, được gọi là giếng tẩy rửa. Đây là một phong tục đặc trưng có mặt ở hầu hết mọi ngôi đền chùa tâm linh ở Nhật. Mục đích của điều này nhằm thanh lọc cơ thể trước khi bước vào chánh điện, nơi các vị thần linh cư ngụ.
Thành tâm cầu khấn thần linh và nghĩ về điều bạn mong muốn, lắc hộp gỗ để lấy thẻ tre đánh số, bạn hãy theo số thứ tự trên thẻ đó để lấy Omikuji tương ứng được đựng trong những ngăn gỗ nhỏ
Sau khi đã viếng và lễ bái các vị Thần, bạn sẽ đi ra khu vực rút quẻ xăm. Sẽ có một hộp gỗ hay hộp thiếc để lấy thẻ tre đánh số của quẻ xăm. Trước khi xin que, bạn nên thành tâm cầu khấn các vị thần, cũng như tập trung về điều mà mình muốn biết, muốn cầu xin. Tiếp đến, bạn sẽ lắc hộp để quẻ xăm rơi ra ngoài. Từ quẻ xăm này, với số tương ứng bạn di chuyển đến nơi chứa các hộp đựng quẻ xăm Omikuji. Những lá xăm này được đựng trong một tủ gỗ với các ngăn kéo theo số quẻ xăm tương ứng.
Thứ tự và nội dung quẻ bói Omikuji
Thứ tự quẻ bói
Quẻ bói Omikuji được tính theo thứ tự riêng biệt từ Đại cát đến Hung cát. Có tất cả 13 loại Omikuji, một số nơi sẽ chỉ có 7 loại. Từ đó thứ tự của quẻ bói sẽ được tính với 2 loại như sau:
-
Daikichi > Kichi > Chu-kichi > Sho-Kichi > Sue-kichi > Kyo > Daikyo. (Tương đương: Đại cát > Cát > Trung cát > Tiểu cát > Vô cát > Hung > Đại hung).
-
Daikichi > Chu-kichi > Sho-kichi > Kichi > Sue-kichi > Kyo > Daikyo. (Tương đương: Đại cát > Trung cát > Tiểu cát > Cát > Vô cát > Hung > Đại hung).
Tùy vào từng đền mà sẽ có những sự thay đổi khác nhau. Do đó, trước khi rút quẻ bói thì bạn nên hỏi trực tiếp những người trong đền để hiểu rõ hơn theo từng cách tính khác nhau.
Nội dung quẻ bói
Tương tự như các quẻ xăm ở Việt Nam, Omikuji cũng sẽ có nội dung về các nguyện vọng, những dự đoán về tương lai, vận mệnh của người xin quẻ trong một năm tới, chuyện về tình yêu, học tập, công việc, buôn bán, bệnh tật và cả tiền bạc. Tùy vào từng loại quẻ bói mà bạn rút được sẽ biểu thị là quẻ tốt hay xấu.
Tất cả nội dung của quẻ bói đều được diễn giải và viết bằng tiếng Nhật. Do đó, những người không biết tiếng Nhật hay trình độ tiếng Nhật thấp sẽ không hiểu quẻ xăm nói gì. Nội dung được viết thường ở trình độ tiếng Nhật N2, do đó bạn có thể nhờ những người am hiểu tiếng Nhật diễn giải hay các thông dịch viên đi theo trong đoàn du lịch.
Làm gì sau khi rút được quẻ bói Omikuji
Khi sự tiên đoán là xấu, cuộn tròn mảnh giấy và gắn nó vào cây thông hoặc lên những bức tường ở những ngôi chùa hoặc đền
Khi bạn rút được quẻ bói mà nội dung không như mong muốn, quẻ bói xấu thì không nên rút quẻ khác mà có thể chờ vào thời điểm khác. Với quẻ bói xấu rút được, bạn có thể cuộn tròn nó lại và gắn vào cây thông, buộc vào những dây thừng được chuẩn bị sẵn trong đền chùa hay đặt lên những bức tường tại các ngôi đền hoặc chùa này. Theo quan niệm của người Nhật thì quẻ xấu nên để lại.
Nếu như gặp được vận may, người ta sẽ chọn cột nó ở cây thông để hy vọng có một may mắn lớn hơn
Khi rút được quẻ bói là vận may, bạn cũng có thể cột nó ở cây thông để hy vọng những điều may mắn hơn. Nếu không bạn cũng có thể mang về như một lá bùa may mắn, hay sử dụng những lời nói, câu khuyên nhủ được in trong quẻ bói để hướng theo những điều tốt nhất.
Như vậy, với những thông tin trên bạn có thể hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa của người Nhật với quẻ bói Omikuji. Tất cả những quẻ bói này đều chí có tác dụng khuyên nhủ, mong cầu mọi người hướng theo điều tốt hoặc những điều cần tránh trong cuộc sống. Nó không phải là một hoạt động mê tín nào, nên khi rút quẻ bói mọi người chỉ xem như một hoạt động trải nghiệm thú vị, tránh chú tâm và đặt nặng những quẻ bói này.